Phiên 26/6, mỗi đôla Mỹ đổi được 160,8 yen. Đây là mức thấp nhất của tiền tệ Nhật Bản kể từ năm 1986. Hôm nay, tỷ giá vẫn dao động quanh mốc này. Hiện, mỗi USD đổi được 160,4 JPY.
Từ đầu tháng, yen đã mất giá 2% so với đôla Mỹ. Mức giảm từ đầu năm là 12%. Đồng tiền này vẫn chịu sức ép do chênh lệch lãi suất lớn giữa Mỹ và Nhật Bản.
Các mức lãi suất ngắn hạn tại Nhật hiện là 0-0,1%. Trong khi đó, Mỹ duy trì quanh 5,25-5,5%.
Nhật Bản hiện cũng là nước có lãi suất thấp nhất trong nhóm G10 (gồm các nền kinh tế công nghiệp lớn). Việc này khiến yen trở thành mục tiêu lý tưởng cho hoạt động carry trade (giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ). Đây là giao dịch đi vay bằng tiền tệ có lãi suất thấp, sau đó bán ra để mua tiền tệ lãi suất cao hơn. Số tiền này sau đó có thể được gửi tiết kiệm, hoặc đầu tư.
Việc yen một lần nữa vượt mốc quan trọng là 160 yen một USD khiến nhà đầu tư nghĩ đến khả năng giới chức can thiệp. Cuối tháng 4 đầu tháng 5, Nhật Bản đã chi 9.790 tỷ yen (60,94 tỷ USD) để hỗ trợ nội tệ khi tỷ giá xuống đáy 34 năm, tại 160,2 JPY một USD.
Trong một cuộc họp báo hôm 27/6, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki ra tín hiệu sẵn sàng can thiệp vào thị trường ngoại hối sau diễn biến hôm qua. "Tỷ giá nên ổn định. Các biến động một chiều, diễn ra trong thời gian ngắn đều không phải là điều chúng tôi mong muốn. Chúng tôi đặc biệt lo lắng về tác động của việc này lên nền kinh tế", ông nói.
Các nhà phân tích thì cho rằng dù rủi ro can thiệp đang tăng lên, giới chức Nhật Bản có thể chờ đến khi Mỹ công bố báo cáo lạm phát ngày 28/6, rồi mới hành động. Dù vậy, việc can thiệp nhiều khả năng chỉ có hiệu quả hạn chế.
"Tôi không nghĩ giới chức Nhật Bản có thể làm được gì nhiều. Thị trường đã cho thấy điều đó rồi. Bất chấp các tuyên bố và cả hành động thực tế, họ vẫn không ngăn được yen đi xuống", Dong Chen - chiến lược gia tại công ty quản lý tài sản Pictet Wealth Management cho biết.
Hà Thu (theo Reuters)