* Trận Việt Nam - Nhật Bản: 20h hôm nay, trên VnExpress.
Asian Cup 1992 là lần đầu tiên Nhật Bản xưng vương ở đấu trường cao nhất bóng đá châu Á. Nhưng chỉ sau khi HLV Phillipe Troussier sang dẫn dắt từ năm 1998, nền bóng đá này mới thực sự "hóa rồng". Trong 21 năm qua, Nhật Bản là một thế lực hùng cường của châu Á, với năm lần liên tiếp tham dự World Cup cùng ba lần đăng quang ở Asian Cup. Câu hỏi thú vị đặt ra là đội tuyển Nhật Bản nào hay nhất trong giai đoạn hoàng kim này?
Thành công trong bóng đá được định nghĩa qua những danh hiệu. Theo tiêu chí ấy, ba triều đại hay nhất phải thuộc về Troussier (1998-2002, vô địch Asian Cup 2000), Zico (2002-2006, Asian Cup 2004) và Alberto Zaccheroni (2010-2014, Asian Cup 2011). Nhưng khi so bó đũa để chọn cột cờ, thì tiêu chí bóng đá đẹp ắt hẳn sẽ là thước đo chuẩn xác nhất, và ở đấy, khó ai có thể vượt qua Zico - một kẻ ngoại đạo nhưng lại nắm giữ linh hồn bóng đá xứ sở mặt trời mọc.
Bây giờ, nếu ghé thăm sân Ibaraki của Kashima Antlers, đội bóng vĩ đại nhất Nhật Bản, bạn sẽ thấy bức tượng Zico sừng sững bên ngoài sân bóng như lời khẳng định về chỗ đứng của ông.
Năm 1981, người Nhật trầm trồ khi Zico giúp Flamengo đánh bại Liverpool hùng mạnh để giành chiếc Cup Liên lục địa (tiền thân của FIFA Club World Cup) qua đó mở toang suy nghĩ vốn bị bó buộc bấy lâu của người Nhật về bóng đá.
Như một lời hẹn ước, 10 năm sau đó, ông trở lại với tư cách người truyền giáo để khai sáng bóng đá Nhật Bản. Ngay mùa giải đầu tiên ở J-League cùng Kashima Antlers, ông đã có vinh quang với danh hiệu J-League Suntory Series. Với nguồn cảm hứng Zico, Kashima Antlers về sau được ví như một Flamengo của bóng đá Nhật Bản, lập nhiều chiến công lừng lẫy và trở thành hình mẫu cho thứ bóng đá kỹ thuật mà người Nhật về sau theo đuổi.
Năm 2002, sau khi chia tay Phillippe Troussier, bóng đá Nhật Bản chọn tìm lại ký ức xưa cùng Zico, khi mời ông về làm HLV. Dưới thời Troussier, Nhật Bản luôn cho thấy sức mạnh, nhưng trong bốn năm chiến lược gia người Pháp này cầm quân, bóng đá Nhật Bản lại không được đánh giá cao về bản sắc. Vì thế, khi so sánh với Hàn Quốc của Guus Hiddink 2002, Nhật Bản hoàn toàn lép vế trên sân nhà ở World Cup, nơi hai quốc gia này đồng đăng cai. Khi Zico lên nắm quyền, ông lập tức thổi hổn cho "Samurai Xanh" bằng lối đá cống hiến như thêu hoa dệt gấm mà người Nhật hằng mong chờ bấy lâu. Lối chơi ấy chạm đến đỉnh cao ở Asian Cup 2004 trên đất Trung Quốc, nơi Nhật Bản lên ngôi một cách thuyết phục.
Khác với Troussier, điều đầu tiên Zico làm là nhấn mạnh tầm quan trọng của một nhạc trưởng, một số 10 nguyên mẫu để truyền cảm hứng cho cả đội bóng. Cái tên được ông chọn là Shunsuke Nakamura, người về sau được tôn vinh như là số 10 vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Nhật Bản. Nakamura từng góp mặt ở Asian Cup 2000, nhưng chỉ làm nền cho đàn anh Hiroshi Nanami. Phải đến bốn năm sau, anh mới có đất diễn để thỏa chí nam nhi và trở thành một số 10 xuất sắc như tiềm năng vốn có.
Trong lối chơi mà Zico xây dựng cho giải đấu tại Trung Quốc năm 2004, mọi đường bóng đều thông qua đôi chân tài hoa của Nakamura. Anh chuyền bóng, kiến tạo, dạt biên, đá phạt và được quyền không tham nhiều các tình huống phòng ngự. Chính sự ưu ái này của Zico đã kích thích Nakamura chơi thứ bóng đá hay nhất sự nghiệp. Cú vẩy má ngoài theo phong cách "Trivela" vào lưới Oman vẫn còn sống mãi trong ký ức người hâm mộ là một bằng chứng cho sự thăng hoa của Nakamura năm ấy.
Để vận hành lối chơi lấy tấn công làm phòng ngự, Zico khi đó có hai hậu biên xuất sắc là Alex bên cánh trái và Akira Kaji bên cánh phải. Alex nổi lên từ World Cup 2002, nhưng Kaji thì là một phát hiện lớn của Zico, sau khi tỏa sáng cùng Gamba Osaka. Chính cặp mắt xanh tinh đời của Zico đã giúp bóng đá Nhật Bản tìm ra một loạt "Kaji" khác chơi bóng ở J-League, trong khi ông sẵn sàng hạ thấp tầm quan trọng của hai ngôi sao ở nước ngoài là Hidetoshi Nakata, Shinji Ono. Những "Kaji" ấy là trung vệ tóc xù Yuji Nakazawa, tiền vệ trụ Takashi Fukunishi, và tiền đạo xuất sắc Keiji Tamada, người sở hữu cái kèo trái rất hay.
Xuyên suốt Asian Cup 2004, bóng đá châu Á chứng kiến sự vùng lên của vài đội chiếu dưới như Uzbekistan, Bahrain, Trung Quốc bên cạnh hai quyền lực là Hàn Quốc và Iran. Sau 15 năm, có thể coi đó là giải đấu vô địch châu Á hay và hấp dẫn nhất đến lúc này với những trận đấu loại trực tiếp mà hầu hết đều phải bước vào hiệp phụ và chấm luân lưu. Nhưng trong bối cảnh ấy, Nhật Bản dưới trướng Zico vẫn là đội bóng xuất sắc hơn cả nhờ hàng tấn công có thể "hô phong, hoán vũ" của họ, trong đó đỉnh cao nhất là chiến tích hạ gục Trung Quốc 3-1 ngay ở sân Công Nhân, giữa lòng Bắc Kinh.
Giữa không khí tràn ngập thù địch khi quốc thiều Nhật xướng lên, áp lực từ 65.000 khán giả như chực chờ nuốt chửng đội khách. Tuyển Trung Quốc, ở thời điểm 2004, thực sự mạnh ở tầm châu Á khi vẫn giữ được phần lớn đội hình dự World Cup hai năm trước đó với Hao Hai Dong, Li Ming, Sun Ji Hai... Nhưng sự xuất sắc của Nakamura đã che mờ tất cả, giúp Nhật Bản hạ chủ nhà 3-1. Đến giờ, trận cầu ấy vẫn được xem như chiến thắng ấn tượng nhất trong cả bốn lần vô địch Châu Á của bóng đá xứ sở mặt trời mọc.
Ghi 13 bàn thắng qua bảy trận, nhưng hơn cả là lối chơi khoáng đạt đậm chất Samba, Nhật Bản 2004 đến giờ vẫn là hình mẫu tuyệt nhất mà người Nhật vẫn nhắc về cho hậu bối. Lối chơi của họ năm ấy khác với sự mờ nhạt bản sắc của Troussier, hay vẻ tính toán, thực dụng kiểu Italy của Zaccheroni.
Bóng đá vốn được sinh ra để mang đến cái đẹp trong mắt người hâm mộ, dù chiến thắng vẫn là điều quan trọng nhất. Và khi lấy được hai tiêu chí ấy một cách thuyết phục, lịch sử mấy ai đã làm được như Zico và các học trò?
Anh Tuấn