"Nhật Bản đá lùi sâu, ít phạm lỗi, ít tham gia những tình huống va chạm. Phòng ngự tốt và ghi bàn từ một tình huống cố định. Thế là đủ". Dòng trạng thái của Tạp chí J Soccer có thể xem là nhận xét vắn tắt về phong cách của Nhật Bản ở Asian Cup 2019. Trong bốn trận đã qua (3 ở vòng bảng và một ở vòng 1/8), Nhật Bản luôn thắng với cách biệt chỉ một bàn. Trận đấu gần nhất gặp Ả-rập Xê-út, họ thậm chí thắng 1-0 với tỷ lệ kiểm soát bóng đạt 23 %.
Nguyên nhân nào cho sự thay đổi đột ngột này của nhà vô địch năm 2011?
HLV hiện tại Hajime Moriyasu là cựu tuyển thủ Nhật Bản vô địch Asian Cup 1992. Nhưng tên tuổi của ông chỉ thực sự được biết đến khi dẫn dắt Sanfrecce Hiroshima ba lần vô địch J-League với lối đá tấn công rực lửa. Trong đó, mùa giải 2012 và 2015, họ là đội ghi nhiều bàn thắng nhất J-League. Lối chơi đó tiếp tục được Moriyasu thổi hồn vào đội tuyển Nhật Bản khi kế thừa từ người tiền nhiệm Akira Nishino. Trong năm trận giao hữu, đội bóng của ông ghi 15 bàn - trong đó nổi tiếng nhất là việc nã vào lưới Uruguay bốn bàn. Nhưng ở UAE, thời thế đã buộc Moriyasu phải thay đổi.
Đầu tiên là lực lượng. Đây là đội hình tệ nhất của Nhật Bản khi dự Asian Cup tính từ năm 2000. Chưa bao giờ, người hâm mộ lại thất vọng như thế về tên tuổi của đội tuyển, sau khi đã quen thuộc với các thương hiệu hàng đầu châu Âu của Keisuke Honda, Hidetoshi Nakata hay Shinji Kagawa. Thay vào đó, họ phải lục tung trí nhớ để tìm hiểu về những "cánh chim lạ" như Takehiro Tomiyasu, Wataru Endo... những tài năng từ các đội bóng thuộc diện làng nhàng ở châu Âu. Thế nên sự thờ ơ, lãnh đạm là điều dễ hiểu. Theo Tạp chí Japan Times tỷ lệ người xem truyền hình các trận đấu của Nhật Bản đang tụt dốc.
Chuyện suy yếu chất lượng còn đi kèm với kinh nghiệm trận mạc, khi chỉ có ba cầu thủ có trên 50 lần khoác áo đội tuyển là Maya Yoshida, Hiroki Sakai và Yuto Nagatomo. Nhật Bản vốn hướng đến Olympic Tokyo 2020 và vòng loại World Cup 2022, nên Liên đoàn bóng đá nước này JFA bật đèn xanh để Moriyasu loại thải những "thượng nghị sĩ" có phong độ kém như Shinji Kagawa, Takashi Usami, Shinji Okazaki nhằm trẻ hóa toàn diện đội tuyển.
Khi thay vì hướng đến thành tích cao bằng mọi giá, JFA xem sân chơi ở UAE 2019 như một cữ dợt lứa tài năng trẻ được quy hoạch cho tương lai. Một minh chứng khác đến từ ghế huấn luyện viên. Lần đầu tiên từ kỷ nguyên của HLV Phillippe Troussier năm 1999 mới có một HLV quyền lực như Moriyasu khi nắm cả cấp đội tuyển quốc gia lẫn Olympic. Chấn thương cũng đã tước đi quân bài tẩy Shoji Nakajima, khiến Nhật Bản điêu đứng ở hàng tấn công. Bởi, Takumi Minamino hay Ritsu Doan đều còn non nớt cho đẳng cấp đội tuyển quốc gia.
Sau cú sốc bị loại dưới tay Bỉ ở World Cup 2018 khi đã dẫn đến hai bàn, Nhật Bản như "chim sợ cành cong". Thậm chí, cơn ác mộng trước Iraq ở vòng loại World Cup 1994 lại quay về. Chính vì thế, thay vì trung thành với lối đá cống hiến đẹp mắt trong quá khứ, Moriyasu quyết định biến Nhật Bản trở thành "con tắc kè hoa" với lối đá rình rập, thích ứng trong từng hoàn cảnh cụ thể. Như trước Ả-rập Xê-út, đối thủ vốn đặt nặng kiểm soát bóng, họ hóa thân thành một kẻ rình mồi, sẵn sàng nhả lại khu trung tuyến để chờ đối phương sơ hở là trừng phạt. Chiến thuật tuy xấu xí nhưng đạt hiệu quả cực cao khi khóa chặt hàng công nhanh và kỹ thuật của đội bóng Ả-rập.
Nhật Bản năm 2019 vẫn có thể đá bay bướm như đội tuyển của Zico năm 2004, nhưng vấn đề là họ không có đẳng cấp của những Shunsuke Nakamura, Keiji Tamada hay Alex để kết tinh thành hiệu quả trong lối chơi. Trong hoàn cảnh ấy, lựa chọn khiêm tốn của Moriyasu đang cho thấy sự khôn ngoan lúc này. Dù vậy, trước Việt Nam ở tứ kết, rất có thể "Samurai Xanh" sẽ trở lại với lối chơi thêu hoa dệt gấm thuở nào.
Anh Tuấn