Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa công bố một kế hoạch dài hạn để vực dậy nền kinh tế. Trong đó, ông cam kết nâng thu nhập của người dân thêm 3% mỗi năm trong cả thập kỷ tới và lập khu kinh tế đặc biệt để thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông Abe cho biết sẽ áp dụng mọi phương pháp để thúc đẩy đầu tư tư nhân và gỡ bỏ mọi rào cản với các doanh nghiệp. Ông cũng cam kết tự do hóa lĩnh vực năng lượng, sức khỏe, cơ sở hạ tầng và nâng gấp đôi vốn FDI vào đây lên 35.000 tỷ yen năm 2020. Riêng các ngành liên quan đến điện sẽ được rót thêm 30.000 tỷ yen (300 tỷ USD) trong thập kỷ tới.
Đây là "mũi tên thứ ba" trong chiến lược kinh tế của ông Abe, theo sau hai biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ đã được áp dụng. Các nhà nghiên cứu cho biết nếu không cải tổ cấu trúc, các chiến lược kinh tế của ông Abe sẽ thất bại.
Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, quốc gia này đang phải trải qua gần hai thập kỷ giảm phát và liên tục rơi vào suy thoái những năm gần đây. Các nỗ lực kích thích trước đó đều không thành công.
Nhà kinh tế trưởng Richard Jerram của Ngân hàng Singapore nhận xét: "Trong 20 năm qua, mỗi Thủ tướng đều có kế hoạch tăng trưởng kinh tế của riêng mình. Nhưng chìa khóa lại nằm ở phương pháp thực hiện".
Ngay sau tuyên bố của ông Abe, hai chỉ số chính của chứng khoán Nhật Bản là Topix và Nikkei 225 đều giảm điểm do nhà đầu tư cảm thấy thất vọng với chiến lược mới. Đồng yen cũng bắt đầu tăng giá so với USD.
Ayako Sera, chiến lược gia tại Sumitomo Mitsui Trust Bank cho biết: "Chúng tôi sẽ hạ dự đoán cho các chiến lược kinh tế của ông Abe. Quy mô kế hoạch này quá nhỏ. Phương hướng thì đúng, nhưng kết quả lại đều là trong dài hạn. Cứ như mọi thứ đang bò đi vậy".
Thùy Linh (theo CNBC)