Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc lần đầu công bố ảnh đội tàu ngầm hạt nhân và Nhật Bản thì sẵn sàng cho các cuộc tập trận. Những động thái này tiếp tục làm dấy lên lo ngại rằng hai cường quốc ở châu Á sẽ xảy ra xung đột trực tiếp trên khu vực biển Hoa Đông.
"Tôi tin rằng sự xâm nhập của Trung Quốc và vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku nằm trong 'vùng xám' giữa hòa bình và tình huống khẩn cấp", ông Onodera nói với các phóng viên ở Tokyo.
Trung Quốc và Nhật Bản có những tranh cãi về chuỗi đảo không người trên biển Hoa Đông mà Tokyo gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa các hòn đảo từ tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, phát biểu của ông Onodera, đáp trả tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hồi tuần trước, đã đưa những lời tranh cãi lên một cấp độ mới, AFP cho hay.
Trong khi đó, hôm nay, hai tàu hải quân của Trung Quốc đi vào vùng nước giữa các hòn đảo ở khu vực Okinawa, ngay sát với lãnh hải Nhật Bản, Kyodo News đưa tin. Hôm qua các tàu tuần duyên của Trung Quốc cũng đến gần quần đảo tranh chấp và ở lại đây 4 giờ đồng hồ.
Trước đó, các máy bay Trung Quốc cũng tới vùng trời trên quần đảo khiến Nhật phải cử chiến đấu cơ F-15 tới bảo vệ.
"Có hai máy bay cảnh báo sớm và hai máy bay ném bom. Thật là không bình thường khi có rất nhiều máy bay chiến đấu bay lượn trên bầu trời hòn đảo chính của Okinawa và Miyako. Chúng tôi coi đây là hành động bất thường và đã kéo dài 3 ngày liên tiếp", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật phát biểu hôm nay.
"Chúng tôi nhận thấy rằng đây là một xu hướng cho thấy Trung Quốc đang muốn mở rộng các hoạt động trong khu vực, bao gồm cả mở rộng vùng biển", ông Onodera nói.
Tuần trước, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe "bật đèn xanh" cho kế hoạch bắn hạ máy bay không người lái của nước ngoài đi vào không phận Nhật Bản nếu như máy bay xâm nhập bất chấp lời cảnh báo. Bộ Quốc phòng Trung Quốc sau đó tuyên bố hành động bắn hạ máy bay của Nhật "được coi là sự khiêu khích, là hành động chiến tranh" và thề sẽ "đáp trả".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh hôm nay cũng tuyên bố Nhật Bản cần "dừng việc thổi phồng giả thuyết đe dọa từ bên ngoài và tập trung sự chú ý của quốc tế vào việc xây dựng quân đội".
Akira Kato, giáo sư về quốc phòng và an ninh của Đại học Obirin ở Tokyo, phân tích hai bên dường như đang đẩy bản thân vào chân tường, nếu không có kênh đối thoại ngoại giao thì mọi việc sẽ trở nên tồi tệ hơn.
"Trung Quốc dường như sẽ không hạ giọng và căng thẳng sẽ còn tăng cao. Với Tokyo, mối quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ sẽ là một dự phòng", ông Kato nói và nhắc đến hiệp ước giữa Mỹ và Nhật trong trường hợp Nhật bị tấn công.
"Khi đó sự việc sẽ kiểm chứng xem hiệp ước đồng minh có phát huy tác dụng hay không", chuyên gia quân sự này nói.
Trung Quốc tuần qua lần đầu công bố đội tàu ngầm hạt nhân trên phương tiện truyền thông nhà nước, như sự thể hiện với các nước khác về tiềm lực tấn công của nước này. Trong khi đó Nhật Bản cũng lên kế hoạch tập trận lớn với 34.000 quân ở cách quần đảo tranh chấp hàng trăm km với nội dung bảo vệ và chiếm lại những quần đảo xa xôi.
Vũ Hà