Tại cuộc họp báo trong chuyến thăm Argentina hôm qua, ông Abe cho biết "TPP sẽ vô nghĩa nếu thiếu Mỹ". Ông nhấn mạnh hiệp định này không thể đàm phán lại. Vì "việc này sẽ phá vỡ thế cân bằng nền tảng về lợi ích". Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định tại cuộc họp của các lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương tại Peru tuần trước, họ không bàn đến việc thực hiện TPP mà không có Mỹ.
Hiệp định này đã được Hạ viện Nhật Bản thông qua hồi đầu tháng, và đang được xem xét tại Thượng viện. TPP chỉ có thể có hiệu lực nếu được ít nhất 6 nước phê chuẩn trước tháng 2/2018 và các nước này phải đóng góp ít nhất 85% GDP trong khối. Vì vậy, cả Mỹ và Nhật Bản đều sẽ phải phê chuẩn.
Tuy nhiên, ông Donald Trump hôm qua lại công bố một đoạn video cho biết những việc ông sẽ thực hiện trong ngày đầu tiên nhậm chức - 20/1/2017. Trong đó bao gồm rút Mỹ khỏi TPP.
Ông Trump gọi TPP là "thảm họa tiềm ẩn với đất nước chúng ta". "Thay vì TPP, chúng ta sẽ đàm phán các thoả thuận thương mại công bằng, song phương", ông cho hay.
Giới chuyên gia nhận định đây không phải điều ngạc nhiên. Do trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump luôn tỏ thái độ bất mãn với hiệp định này và cho rằng TPP sẽ giết chết việc làm tại Mỹ.
Tuy nhiên, tuyên bố này vẫn gây thất vọng. Do TPP là thành quả của một thập kỷ đàm phán. "Điều buồn cười là tuy Trump cho rằng đây là một hiệp định tồi tệ, nó thực ra lại rất tốt cho Mỹ. Nó sẽ giúp Mỹ có tiếng nói rất lớn với các quy tắc thương mại giữa châu Á và châu Mỹ, tập trung hơn vào vấn đề quyền lao động và sở hữu trí tuệ. TPP đổ vỡ sẽ tạo ra khoảng trống tại châu Á. Và Trung Quốc có thể sẽ lấp đầy khoảng trống này, trở thành người dẫn đầu về định hình các hiệp định thương mại trong khu vực", Simon Rabinovitch - biên tập viên kinh tế châu Á tại Economist nhận xét.
Nhà đầu tư nổi tiếng của Mỹ - Jim Rogers cũng có chung quan điểm này. Ông cho rằng hành động của ông Trump sẽ đẩy châu Á và khu vực Thái Bình Dương về phía Trung Quốc. Đây sẽ là bước ngoặt lịch sử với thế giới.
Hà Thu (theo BBC/Reuters)