Không ai biết chắc ông Donald Trump sẽ làm gì để vừa thúc đẩy kinh tế Mỹ vừa tăng cường vị thế của nước này trên thế giới. Nhưng trong chiến dịch tranh cử, ông thường xuyên tỏ thái độ không hài lòng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và dọa rút Mỹ khỏi hiệp định này.
Dù nhiều nghiên cứu đã chỉ ra TPP có thể không mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho Mỹ, những người ủng hộ hiệp định này vẫn cho biết nó là yếu tố chính trong chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
Nói cách khác, TPP sẽ cho phép Mỹ định hình vững chắc hơn các quy định về lao động, môi trường và bản quyền với kinh tế toàn cầu, và chứng minh cam kết hợp tác của nước này tại một khu vực có tầm quan trọng chiến lược. Nếu không thể phê chuẩn hiệp định, giới quan sát cho rằng Trung Quốc sẽ đắc lợi trên thiệt hại của người Mỹ.
Hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ - Barack Obama cũng từng đề cập đến việc này trên Washington Post: "Tăng cường thương mại tại khu vực này sẽ có lợi cho doanh nghiệp và người lao động Mỹ. Việc này sẽ giúp chúng ta thành công về mặt kinh tế hơn các đối thủ, kể cả quốc gia mà chúng ta nghe thấy rất nhiều trong chiến dịch tranh cử những ngày nay - Trung Quốc… Thế giới đã thay đổi. Các quy tắc cũng phải thay đổi theo. Và Mỹ, chứ không phải những nước như Trung Quốc, nên viết lại chúng".
Quan điểm trên đầu tuần này cũng được Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe nhắc lại. Ông cảnh báo một hiệp định thương mại do Trung Quốc khởi xướng có thể trở thành tâm điểm chính trị trong khu vực. Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ nhì trong TPP.
"Nếu TPP không được phê chuẩn, RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) sẽ trở thành trung tâm. RCEP không có Mỹ, và Trung Quốc sẽ là nền kinh tế có GDP lớn nhất trong này", ông Abe cho biết tại Thượng viện Nhật Bản hồi đầu tuần.
Tuy nhiên, những cảnh báo này có thể không chính xác, theo một số chuyên gia thương mại và địa chính trị. Trên thực tế, một số cho rằng kinh tế Trung Quốc cũng sẽ chịu thiệt hại nếu TPP không thành công.
"Mất mát của TPP cũng sẽ là mất mát của Trung Quốc. Nhiều người cho rằng TPP cố tình loại bỏ Trung Quốc. Nhưng sự thực không đơn giản như vậy. Mỹ muốn Trung Quốc tham gia ở các vòng đàm phán sau, và Trung Quốc đang âm thầm cho thấy mình có hứng thú với việc đó", Meredith Sumpter - người đứng đầu bộ phận châu Á tại Eurasia Group nhận xét.
Trung Quốc đang xúc tiến hai hiệp định thương mại tiềm năng để cạnh tranh với TPP. Tuy nhiên, cả hai đều không giống TPP mà Mỹ khởi xướng, Sumpter cho biết.
Khu vực Mậu dịch Tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) khá "tham vọng" và khó đàm phán "gấp đôi" TPP. Còn RCEP có tiến triển "khá chậm chạp" và chỉ có ưu đãi thuế nhỏ. Vì vậy, "lợi ích kinh tế ròng với các nước tham gia sẽ thấp hơn nhiều" so với TPP.
Các quốc gia có thể chuyển hướng sang các hiệp định này. Tuy nhiên, những động thái trên cũng không thể giúp Trung Quốc hưởng lợi lớn. "Tôi không thấy Trung Quốc sẽ có lợi ích đáng kể nếu TPP thất bại. Dĩ nhiên về mặt ngoại giao sẽ có lợi, nhưng những tin tức này rồi sẽ bị lãng quên thôi… Họ chắc chắn có thể ký thêm các hiệp định thương mại khác, nhưng sẽ không làm được gì để thay đổi kinh tế châu Á cả", Derek Scissors - học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) nhận xét.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia lại cho rằng thất bại của TPP không ảnh hưởng đến Bắc Kinh, vì các quyền lực mềm và kế hoạch kinh tế của họ phụ thuộc vào chính các hiệp định thương mại và sáng kiến đầu tư của nước này. Trên National Interest, Alvaro Vargas Llosa - nhà nghiên cứu cấp cao tại Independent Institute cho rằng "TPP sẽ có tác động rất nhỏ trong việc làm chậm đà phát triển kinh tế và quyền lực chính trị của Trung Quốc" vì hiệp định này "chẳng liên quan đến họ".
Cách duy nhất Trung Quốc có thể tăng cường quyền lực trong khu vực là khi chính quyền Donald Trump giết chết TPP và bắt đầu đánh thuế mạnh hơn lên hàng nhập khẩu của các nước khác. "TPP thất bại sẽ khiến Mỹ ở nguyên tình trạng như bây giờ. Nhưng nếu ông Trump làm mạnh tay hơn nữa, ví dụ phân biệt đối xử trong thương mại với châu Á, vị thế của Trung Quốc có thể sẽ được tăng cường", Scissors cho biết.
Hà Thu (theo CNBC/Japan Times)