Nhật Bản tìm đường vào Hội đồng Bảo an LHQ
Tàu chiến Urugan của Cục Phòng vệ Nhật Bản. |
Trên thực tế, Nhật Bản đã là thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc kể từ năm 1956. Nước này cũng được bầu vào HĐBA 7 lần, gần đây nhất là nhiệm kỳ 1991-1993. Tuy nhiên, chừng đó dường như vẫn chưa đủ đối với Tokyo. Cái ghế thành viên thường trực mới có thể củng cố hình ảnh cũng như vị trí của họ trong trật tự thế giới thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Trong vòng 9 năm qua (kể từ khi chính trị gia Yoshio Hatano khởi xướng cuộc chạy đua đầu tiên vào HĐBA năm 1994), nhiều đoàn ngoại giao đã được phái đến trụ sở LHQ để làm nhiệm vụ vận động hành lang. Nay, dù kinh tế đang rơi vào cảnh suy thoái, chính quyền xứ sở mặt trời mọc vẫn không từ bỏ mong ước bấy lâu. Người gánh vác sứ mệnh cao cả lúc này là Đại sứ Nhật tại LHQ, ông Yukio Satoh, một nhà chiến lược nổi tiếng tại khu vực Đông Bắc Á.
Tuy nhiên, nỗ lực của Nhật Bản cũng vấp phải trở ngại, mà điều đáng ngạc nhiên là nó xuất phát từ Mỹ, quốc gia luôn coi Tokyo là một trong những đồng minh quan trọng nhất ở khu vực Thái Bình Dương. Năm 1994, Thượng viện Mỹ đã thông qua 2 nghị quyết, khẳng định sẽ không ủng hộ việc xứ sở Phù Tang tìm kiếm chiếc một ghế thường trực vì cho rằng Nhật Bản vẫn “nhùng nhằng” trong việc đưa ra cam kết tham gia đầy đủ vào nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trên khắp thế giới. Điều này xuất phát từ Luật Hợp tác Gìn giữ Hòa bình Quốc tế Nhật Bản, có hiệu lực từ năm 1992. Theo đó, Cục Phòng vệ Nhật Bản (SDF) sẽ xem xét 5 điều kiện dưới đây trước khi triển khai lực lượng đi làm nhiệm vụ quốc tế:
1. Các bên xung đột phải đồng ý ngừng bắn.
2. Các bên xung đột phải chấp thuận sự hiện diện của binh sĩ Nhật Bản.
3. Hoạt động gìn giữ hòa bình phải thực sự mang tính công bằng.
4. Nhật Bản sẽ rút quân nếu cảm thấy không hài lòng vì một trong số những điều kiện trên bị vi phạm.
5. Vũ khí chỉ được sử dụng để bảo vệ mạng sống của người dân.
Ngoài những điều luật, mà theo các nhà phân tích là mang tính cản trở đó, Nhật Bản vẫn chưa lý giải được một cách hợp lý rằng liệu với khả năng quân sự hiện tại thì họ có thể gánh vác vai trò quốc tế đang ngày càng được mở rộng không. Ví dụ như, trong chiến dịch Cơn bão Sa mạc ở vùng Vịnh năm 1991, Nhật Bản đóng góp tài chính tận 12 tỷ USD cho LHQ, nhưng không tham gia hoạt động quân sự. Chỉ sau khi chiến sự kết thúc, Nhật Bản mới triển khai lực lượng gỡ mìn.
Trong trường hợp là thành viên thường trực của HĐBA, Tokyo sẽ không thể hành động “nửa vời” như vậy nữa. Ngoài việc đóng tiền, họ cũng phải góp cả quân. Tuy nhiên, tới nay, vấn đề này vẫn còn là trở ngại chính đối với Nhật Bản trong tiến trình gia nhập HĐBA.
Bá Thùy (theo AP)