So với quý trước, kinh tế Nhật ghi nhận mức tăng là 0,9%, chủ yếu nhờ tiêu dùng và xuất khẩu phục hồi mạnh. Báo cáo cũng cho thấy trong khi người tiêu dùng đang phản ứng rất tích cực với chiến dịch chống giảm phát của Thủ tướng và Ngân hàng trung ương Nhật (BOJ), thì các doanh nghiệp vẫn tỏ ra thận trọng.
Tuy nhiên, thái độ này có thể thay đổi khi đồng yen đã giảm tới 20% so với USD trong 6 tháng qua, làm tăng lợi nhuận của các công ty. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật cũng từng cam kết sẽ giảm bớt điều luật với các doanh nghiệp.
Kinh tế Nhật Bản đã phải vật lộn với suy thoái và giảm phát nhiều năm gần đây. Vì vậy, số liệu tích cực này đã làm dấy lên hy vọng viễn cảnh kinh tế đang dần sáng sủa. Đây cũng là sự khích lệ với nỗ lực cải tổ của Thủ tướng Shinzo Abe.
Naoki Iizuka, chuyên gia kinh tế tại Citigroup Tokyo cho biết: "Rõ ràng Nhật Bản đang trỗi dậy. Vấn đề ở đây chỉ là liệu ông Abe có thể tung thêm các chính sách kích thích mạnh mẽ nữa hay không. Nếu thành công, nó sẽ thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp".
Hai trong ba trụ cột kinh tế của ông Abe đã vào guồng. Chính phủ Nhật đã tăng chi tiêu và BOJ cũng đang bơm tiền với quy mô chưa từng có.
Tháng tới, Thủ tướng nước này sẽ tung ra kế hoạch thứ ba. Lượng tiền cơ sở, gồm tiền mặt trong lưu thông và tiền gửi của các tổ chức tài chính trong BOJ, sẽ được nâng gấp đôi lên 270.000 tỷ yen (2.800 tỷ USD) cho đến cuối năm 2014.
Các chính sách của ông Abe đã giúp đồng yen giảm giá tới 15% so với USD và 13% so với euro, mức giảm lớn nhất trong 16 đồng tiền lớn được Bloomberg theo dõi. Chỉ số Nikkei 225 trên sàn chứng khoán Nhật Bản cũng tăng 45% năm nay, gấp đôi S&P 500 tại Mỹ.
Yoshiki Shinke, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life cho biết: "Một số người nghĩ rằng chứng khoán Nhật Bản đang quá cao. Nhưng theo tôi, GDP là nguyên do hợp lý nhất cho việc này. Nhật Bản có thể còn tăng trưởng mạnh hơn trong quý II".
Thùy Linh (theo Bloomberg/CNN)