Ngày hôm qua (4/5), Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) - Haruhiko Kuroda tuyên bố tiếp tục theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ không giới hạn để đạt mục tiêu lạm phát 2%. Theo đó, BOJ sẽ mua lại 7.500 tỷ yen (78,6 tỷ USD) trái phiếu mỗi tháng. Lượng tiền cơ sở, gồm tiền mặt trong lưu thông và tiền gửi của các tổ chức tài chính trong BOJ, cũng được nâng gấp đôi lên 270.000 tỷ yen (2.800 tỷ USD) cho đến cuối năm 2014.
Động thái này vượt xa dự đoán của các nhà kinh tế (5.200 tỷ yen mỗi tháng) và là chương trình nới lỏng mạnh mẽ nhất từ năm 2001. Sau tin tức trên, yen Nhật hôm nay đã giảm xuống mức thấp nhất so với USD kể từ 2009.
Ông Haruhiko Kuroda trong buổi họp tại BOJ hôm qua. Ảnh: Bloomberg |
Giới phân tích cho rằng ông Kuroda đang nối gót Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) - Ben Bernanke và Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) - Mario Draghi, khi tích cực bơm tiền để hỗ trợ nền kinh tế. Thậm chí, các chuyên gia tại Công ty chứng khoán Nomura còn cho rằng động thái này mạnh mẽ hơn nhiều khi BOJ dự kiến mua lại các tài sản tương đối rủi ro.
Theo nhà phân tích Frederic Neumann từ HSBC, việc BOJ nới lỏng sẽ có nhiều tác động đến các nước mới nổi ở châu Á, dù không mạnh như động thái từ Mỹ. Thái Lan, Malaysia và Indonesia là ba thị trường châu Á có mối liên hệ tài chính mật thiết nhất với Nhật Bản. Vì vậy, Nhật bơm tiền sẽ khiến dòng vốn đổ vào ba nước này tăng lên trong những quý tới.
Philippines và Việt Nam cũng được kỳ vọng đón dòng tiền mạnh do các ngân hàng, nhà đầu tư tổ chức Nhật Bản đang tìm kiếm cơ hội mới. Bên cạnh đó, các công ty nước này cũng muốn đa dạng hóa địa điểm sản xuất.
Ở Hàn Quốc và Đài Loan, ảnh hưởng sẽ có sự khác biệt do lượng vốn từ Nhật Bản vào đây thường khá thấp. Giới chức sẽ lo ngại về đồng yen giảm giá nhiều hơn, do việc này gây bất lợi cho hàng xuất khẩu của họ. Neumann dự đoán trong năm nay, Hàn Quốc có thể phản ứng bằng cách hạ giá tiền tệ của mình.
Thùy Linh (theo Bloomberg/FT)