Trong một cuộc họp với quan chức chính phủ hôm nay, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida được dự báo công bố kế hoạch chi 56.000 tỷ yen (490 tỷ USD) kích thích chi tiêu, đồng thời soạn thảo ngân sách bổ sung cho các khoản chi này.
Quy mô gói kích thích này lớn hơn mức 30.000 – 40.000 tỷ yen mà các thị trường kỳ vọng, chủ yếu do khoản chi trả lớn cho các hộ gia đình và công ty chịu tác động bởi đại dịch. Chính phủ cũng sẽ soạn ngân sách bổ sung khoảng 32.000 tỷ yen để phục vụ việc này.
Giới phân tích cho biết tiêu dùng tại Nhật Bản đã phình to vì hàng loạt chính sách hỗ trợ, với cả những nhóm người mà phe chỉ trích cho là không liên quan đến đại dịch, như khoản trả cho các hộ gia đình có người 18 tuổi trở xuống. Nhật Bản cũng có thể phát hành thêm trái phiếu năm nay.
Gói kích thích khổng lồ lần này cho thấy sự tập trung của Kishida trong việc kích thích kinh tế và tái phân phối của cải cho các hộ gia đình. Ông từng bị coi là người có khuynh hướng thắt chặt tài khóa.
"Chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa do cựu Thủ tướng Shinzo Abe tiên phong giờ là cách được chọn", James Brady – nhà phân tích tại Teneo cho biết, "Dù ông Kishida trong quá khứ là người nghiêng về thắt chặt, có lẽ ông ấy sẽ phải theo Abenomics thêm vài năm nữa".
Những người chỉ trích thì cho rằng quy mô của gói này quá lớn và quyết định được đưa ra "mà không cần quan tâm khoản chi có hiệu quả hay không", Takumi Tsunoda – nhà kinh tế học cấp cao tại Viện nghiên cứu Ngân hàng Trung ương Shinkin nhận định, "Đây là một sự lãng phí lớn".
Giới chức Nhật Bản vẫn đang duy trì các hỗ trợ tài khóa và tiền tệ khổng lồ, kể cả khi các nước tiên tiến khác đang rút dần những chính sách này. GDP Nhật Bản giảm mạnh hơn dự kiến trong quý III, do các chính sách phong tỏa và chuỗi cung ứng gián đoạn kìm hãm tiêu dùng và xuất khẩu nước này.
Đây sẽ là gói chi tiêu khổng lồ thứ ba của Nhật Bản trong đại dịch. Khối nợ dài hạn của quốc gia này hiện đã gấp đôi GDP.
Hà Thu (theo Reuters)