Theo kế hoạch, tên lửa H2-A sẽ mang theo Trạm đổ bộ Thông minh Điều tra Mặt Trăng (SLIM) và vệ tinh X-Ray Imaging and Spectroscopy Mission (XRISM) phóng lên không gian từ Tanegashima, miền nam Nhật Bản, ngày 28/8. SLIM là trạm đổ bộ, dự kiến tới bề mặt Mặt Trăng trong 4 - 6 tháng. Trong khi đó, XRISM là vệ tinh chụp ảnh tia X do Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cùng phát triển, được thiết kế để nghiên cứu quá trình vũ trụ tiến hóa.
Chương trình vũ trụ của Nhật Bản là một trong những chương trình vũ trụ lớn nhất thế giới, nhưng nỗ lực đầu tiên nhằm đưa trạm đổ bộ đến Mặt Trăng đã thất bại hồi tháng 11 năm ngoái. Hy vọng của JAXA giờ tập trung vào SLIM. Trạm đổ bộ mới nhỏ và nhẹ, cao 2,4 m, dài 1,7 m, có bề ngang 2,7 m và nặng khoảng 700 kg.
SLIM có biệt danh là Moon Sniper (Xạ thủ Mặt Trăng) nhờ độ chính xác cao. JAXA đặt mục tiêu đưa nó hạ cánh trong vòng 100 m so với vị trí chỉ định, nhỏ hơn nhiều so với phạm vi thường thấy là vài km.
Sử dụng một robot tự hành mini kích thước tương đương lòng bàn tay và có thể thay đổi hình dạng, trạm đổ bộ hướng đến tìm hiểu quá trình Mặt Trăng hình thành bằng cách nghiên cứu những phần lộ ra của lớp phủ Mặt Trăng.
"Hạ cánh xuống Mặt Trăng vẫn là một nhiệm vụ khó khăn. Để làm được, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức trong các hoạt động của mình", chuyên gia Shinichiro Sakai của dự án SLIM nói.
Hôm 23/8, Ấn Độ đưa trạm đổ bộ Vikram của tàu Chandrayaan-3 hạ cánh thành công xuống gần cực nam Mặt Trăng, một thắng lợi mang tính lịch sử với chương trình không gian chi phí thấp của quốc gia đông dân này. Trước đó, chỉ có Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc từng đưa tàu đáp xuống bề mặt Mặt Trăng, nhưng không tàu nào trong số đó xuống vùng cực nam. Thành công của Ấn Độ diễn ra chỉ vài ngày sau khi tàu Luna-25 của Nga đâm xuống khu vực này. Năm 2019, Ấn Độ triển khai nhiệm vụ Chandrayaan-2 nhằm thử sức đưa tàu đáp xuống Mặt Trăng nhưng không thành công.
Tháng 11/2022, Nhật Bản nỗ lực đưa tàu Omotenashi, bay cùng tàu Artemis 1 của NASA, hạ cánh xuống Mặt Trăng nhưng bị mất liên lạc và thất bại. Tháng 4, startup Nhật Bản ispace cũng không thành công với tham vọng trở thành công ty tư nhân đầu tiên đưa tàu đáp xuống Mặt Trăng.
Nhật Bản từng gặp vấn đề về tên lửa. Trong đó tên lửa nhiên liệu rắn Epsilon phóng thất bại hồi tháng 10/2022 và tiếp đến là tên lửa H3 thế hệ hồi tháng 3. Tháng trước, cuộc thử nghiệm tên lửa Epsilon S, phiên bản cải tiến của Epsilon, kết thúc với vụ nổ xảy ra chỉ 50 giây sau khi khai hỏa.
Thu Thảo (Theo AFP)