Trong cuộc họp báo chiều 28/3, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết giới chức "đang theo sát diễn biến của đồng yen với mức độ khẩn trương cao". "Nếu có biến động quá mức, chúng tôi sẽ đưa ra động thái phù hợp và không loại trừ bất kỳ phương án nào", ông nói.
Hôm 27/3, Thứ trưởng Tài chính Masato Kanda cũng khẳng định điều tương tự, sau khi giá yen xuống thấp nhất 34 năm so với USD, tại 151,97 yen một đôla Mỹ.
Hồi tháng 10/2022, khi yen xuống 151,94 yen, giới chức Nhật Bản từng phải mua vào đồng nội tệ để can thiệp, lần đầu sau 24 năm.
Yen mất giá khi nhà đầu tư dự báo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ chậm nâng lãi suất, khiến chênh lệch lãi giữa Nhật Bản và Mỹ duy trì ở mức cao. Hiện, mỗi USD đổi được 151,3 yen.
BOJ tuần trước chấm dứt lãi suất âm. Tuy nhiên, quan chức nhà băng này vẫn giữ quan điểm nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ kinh tế.
"Việc yen lập đáy 34 năm mới so với USD, Bộ Tài chính Nhật Bản đã ra tín hiệu sẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, yen khó được hỗ trợ nhiều từ động thái này vì lạm phát nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt", Marcel Thieliant - Giám đốc phụ trách châu Á - Thái Bình Dương tại Capital Economics nhận định.
Trong khảo sát của Reuters, các nhà kinh tế học dự báo lạm phát lõi của Tokyo sẽ chậm lại trong tháng 3, với 2,4%. Ngày mai, số liệu chính thức sẽ được công bố.
Giới phân tích cho biết quan chức Nhật Bản có xu hướng ủng hộ đồng yen yếu, do việc này giúp tăng lợi nhuận các công ty lớn. Tuy nhiên, khi yen mất giá mạnh họ lại đau đầu vì chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô lên cao, làm giảm tiêu dùng và lợi nhuận các hãng bán lẻ.
Hà Thu (theo Reuters)