Hàn Quốc từng được coi là hình mẫu chống dịch lý tưởng. Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, nước này không áp đặt lệnh giãn cách xã hội quy mô lớn. Chiến lược của họ là xét nghiệm chủ động và truy vết sát sao đường lây nhiễm virus. Chính phủ sử dụng hệ thống điện thoại thông minh, dữ liệu định vị và hồ sơ thẻ tín dụng để tìm ra các ca nghi nhiễm tiềm ẩn.
Trong khi đó, Nhật Bản mất cảnh giác ngay từ những ngày đầu. Sau khi ổ dịch bùng phát trên du thuyền Diamond Princess ở Yokohama, đất nước phải vật lộn trong tình trạng thiếu hụt nhân viên xét nghiệm.
Nhật Bản đã đề ra chính sách hạn chế người có thể làm xét nghiệm, để dành giường bệnh cho những người ốm yếu nhất.
Song ổ dịch Diamond Princess là một trong những manh mối cơ bản nhất để tìm ra cách thức lây lan nCoV, trở thành dữ liệu hữu ích giúp quốc gia xây dựng chiến lược dập dịch sau này.
Kể từ tháng 2, Nhật Bản cải tiến năng lực xét nghiệm Covid-19, để người có triệu chứng nhẹ cách ly trong khách sạn. Nước này cũng không tập trung tìm ra từng ca nhiễm riêng lẻ, thay vào đó, chú trọng dập dịch theo cụm hoặc tìm ra nguồn siêu lây nhiễm.
Chiến lược của Nhật Bản và Hàn Quốc đã giúp hai nước vượt qua làn sóng thứ hai. Song hiện nay, khi số ca nhiễm tăng đến mức kỷ lục, việc theo dấu cụm dịch dường như bất khả thi. Các quốc gia cần cách tiếp cận mới.
Nhật Bản và Hàn Quốc không chứng kiến đợt bùng phát lớn như Mỹ và châu Âu, song tình hình dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn khi mùa đông đến.
Hàn Quốc hôm nay ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm nCoV mới, trải qua ngày chết chóc nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Chỉ trong 24 giờ, nước này báo cáo thêm 22 ca tử vong.
Nhật Bản hôm 12/12 lần đầu ghi nhận hơn 3.000 trường hợp dương tính mới trong ngày. Virus lây lan mạnh nhất ở Hokkaido và Osaka.
Các chuyên gia cho rằng lý do then chốt khiến dịch bệnh leo thang là thời tiết lạnh giá và sự chủ quan của cả cộng đồng.
Khi mùa đông đến, người dân có xu hướng ở nhà, trong các không gian kín, thông gió kém. Các nhà khoa học Nhật Bản cho biết virus có thể lây lan nhanh nhất trong nhà hoặc văn phòng.
Theo Lee Hyuk-min, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, Đại học Yonsei, Hàn Quốc, cộng đồng đã bắt đầu chủ quan với đại dịch.
"Quan trọng là kiểm soát dịch khi người dân đã quá mệt mỏi với việc cách ly. Cần phải giữ cân bằng giữa giãn cách và kinh tế hoặc các hoạt động xã hội", ông nói.
Các chuyên gia cũng nhận định Nhật Bản không xét nghiệm đủ cho người dân. Trong khi Hàn Quốc thuộc lòng câu thần chú "xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm" của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Nhật Bản tập trung vào phong tỏa nghiêm ngặt.
Tại các viện dưỡng lão, người thân không được phép gặp mặt nhau kể từ tháng 2. Chưa rõ đến khi nào các gia đình có thể đoàn tụ, đặc biệt là khi số ca nhiễm tăng đột biến.
Năng lực xét nghiệm đến nay đã được cải thiện rõ rệt. Trung bình 7 ngày, tỷ lệ xét nghiệm ở Hàn Quốc là 0,41 trên 1.000 đầu người. Con số ở Nhật Bản là 0.31/1000 đầu người.
Ban đầu, người bệnh dương tính ở Nhật Bản phải đến bệnh viện, khiến giường bệnh quá tải. Đến nay, chính phủ đã phát triển hệ thống giám sát mới. Người có triệu chứng nhẹ được cách ly trong khách sạn.
Để đối phó với làn sóng Covid-19 thứ ba, Hàn Quốc đã đóng cửa trường học ở Seoul và các khu vực lân cận. Tháng trước, chính phủ cấm các bữa tiệc cuối năm, tăng cường thử nghiệm lên 20.000 người mỗi ngày, cao hơn so với con số 16.000 vào tháng 9.
Chính phủ cũng cảnh báo có thể nâng mức hạn chế lên cao nhất, trong hệ thống ba cấp độ. Về cơ bản, điều này có nghĩa nền kinh tế lớn thứ tư châu Á lần đầu tiên bị đóng cửa.
Tại Nhật Bản, Thủ tướng Yoshihide Suga, cho biết ông sẽ không ban bố tình trạng khẩn cấp mới. Về mặt pháp lý, chính phủ không có quyền phong tỏa quốc gia như nhiều nước khác trên thế giới. Thay vào đó, ông Suga đình chỉ chiến dịch thúc đẩy du lịch nội địa GoTo, vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Khi Mỹ và Anh đang triển khai tiêm chủng, rất ít nước châu Á kỳ vọng nhận được lượng lớn vaccine Covid-19 trong những tuần sắp tới. Thay vào đó, họ tin tưởng vào phương pháp kiểm soát dịch, "làm phẳng đường cong" ca nhiễm, hạn chế đi lại nghiêm ngặt, giãn cách xã hội và sử dụng khẩu trang.
Koji Wada, giáo sư tại Đại học Y tế và Phúc lợi Quốc tế ở Tokyo, cho rằng "quy mô lây nhiễm ở Nhật Bản đang nằm trong tầm kiểm soát so với Mỹ hoặc châu Âu".
"Một trong những lý do là thói quen đeo khẩu trang của người Nhật. Nếu có khoảng 100 người trên một chuyến tàu ở Tokyo, chỉ khoảng một người không đeo khẩu trang. Tôi nghĩ thói quen này khiến dịch bệnh được kiểm soát dễ dàng hơn. Những nơi người dân không đeo khẩu trang, virus mới lây lan mạnh", ông nói.
Thục Linh (Theo ABC)