Các công ty như Alibaba, Biren đã dành nhiều năm nghiên cứu và chi hàng triệu USD tạo ra bản thiết kế vi xử lý tiên tiến, sau đó gửi đến những xưởng đúc như TSMC để sản xuất. Chúng là đầu não trong các hệ thống siêu máy tính, AI và trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc. Quan trọng hơn, những doanh nghiệp trên đại diện cho mục tiêu tự chủ bán dẫn mà Bắc Kinh theo đuổi nhiều năm qua.
Tuy nhiên, Mỹ đã siết quy định vào tháng trước, yêu cầu những công ty sử dụng công nghệ của nước này nếu muốn cung cấp linh kiện bán dẫn cho doanh nghiệp Trung Quốc sẽ cần xin giấy phép. Giới chuyên gia nhận định mục đích của lệnh cấm là làm chậm sự phát triển công nghệ mới của Trung Quốc.
Cả Alibaba và Biren đều đã thực hiện các cuộc thử nghiệm tốn kém cho những mẫu chip mới nhất. Tuy nhiên, khi Washington công bố các biện pháp kiểm soát, họ lập tức phải dừng sản xuất và thay đổi thiết kế, theo sáu nguồn tin nói với FT.
Việc ngừng sản xuất chip là đòn giáng mạnh vào Alibaba - công ty đã mất 80% giá trị cổ phiếu kể từ 2020. Chip mới do đơn vị bán dẫn T-Head sản xuất thuộc nhóm xử lý đồ họa (GPU). Đây cũng là chip đầu tiên đánh dấu việc họ tham gia lĩnh vực bán dẫn.
Lĩnh vực thiết kế bán dẫn của Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp các đối thủ Mỹ nhờ nguồn vốn khổng lồ từ chính phủ và nhà đầu tư mạo hiểm. Biren là một trong những công ty hàng đầu khi đã huy động được gần 700 triệu USD từ các nhà đầu tư nội địa như Sequoia Capital China, Qiming Venture Partners... Công ty khẳng định đã tạo được sản phẩm GPU tốt hơn đối thủ Nvidia và AMD.
Thế nhưng, việc quảng cáo quá nhiều không có lợi khi Mỹ ban hành lệnh cấm. "Đôi khi, bạn cần hạ thấp thành tựu bản thân. Biren đã PR quá nhiều, giờ TSMC rất khó giúp họ tìm ra lối thoát", người sáng lập công ty chip có trụ sở ở Thượng Hải nhận xét.
Theo ba nguồn tin tại TSMC, các nội dung thuyết trình công khai của Biren đã khiến công ty phải dừng sản xuất, do trong chip có các thông số kỹ thuật nằm trong danh sách cấm. "Chúng tôi không thể giao hàng, trừ khi họ có thể chứng minh thông số đó tuân thủ các kiểm soát xuất khẩu của Mỹ", người này nói.
Buộc phải giảm hiệu năng chip
Việc tuân thủ được đánh giá khá khó khăn vì các nguyên tắc phức tạp và không rõ ràng từ Mỹ. Chẳng hạn, quy định về tốc độ truyền tải hai chiều, tức tốc độ gửi dữ liệu cho nhau phải giới hạn dưới 600 GB/giây. Theo một kỹ sư tại Biren, thay vì tính tốc độ chuyển giao dữ liệu kể trên, công ty chọn cách điều chỉnh thiết kế chip nhằm giảm tốc độ xử lý. "Đây là cách duy nhất để hy vọng nhận được chấp thuận sản xuất từ TSMC", người này cho biết.
Theo phiên bản công khai trên website Biren được nhóm nghiên cứu Bernstein lưu lại, trước khi Mỹ đưa ra lệnh cấm, công ty này giới thiệu mẫu chip BR100 có tốc độ truyền 640 GB/giây, vượt giới hạn kể trên. Giờ đây, thông số đã được cập nhật còn 576 GB/giây.
Dylan Patel, chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu bán dẫn SemiAnalysis, là người đầu tiên nhận thấy sự thay đổi thông số trên chip Biren. "Họ không đổi thiết kế chip, nhưng làm chậm vi xử lý bằng cách vô hiệu hóa một phần, giống như muốn nói 'chúng tôi hứa sẽ không kích hoạt phần này', nhưng không rõ chính phủ Mỹ có chấp nhận hay không".
Hồi tháng 8, Biren công bố BR100 trong buổi họp báo hoành tráng ở Thượng Hải. Hiện website đã xóa một số ảnh khỏi sự kiện, trong đó có khoảnh khắc nhà sáng lập Mike Hong tạo dáng trước thông số "phá kỷ lục" của chip.
Trong khi đó, một số nguồn tin tiết lộ đơn vị bán dẫn T-Head của Alibaba cũng đang tìm cách sửa đổi bộ vi xử lý 5 nanomet mới được thiết kế cho các cỗ máy AI. "Việc thay đổi có thể kéo theo một đợt thử nghiệm sản xuất khác tại TSMC. Thời gian trì hoãn sẽ kéo dài hàng tháng và có thể tốn 10 triệu USD trở lên cho đợt mới", người này cho hay.
Một nguồn tin khác cho biết, nỗi sợ của T-Head có thể lớn hơn do một số thành viên cốt lõi của nhóm đến từ HiSilicon - công ty thiết kế chip của Huawei. "Đối với những người đó, ác mộng có thể lặp lại một lần nữa".
Biren từ chối bình luận. Đại diện T-Head cho biết sản phẩm cốt lõi của công ty chỉ sử dụng độc quyền tại tập đoàn, đồng thời Alibaba luôn tuân thủ các quy định.
Bảo Lâm (theo FT)