"Mùa xuân này, lương của người lao động sẽ tăng, kéo tiêu dùng lên theo. Nhật Bản không còn ở thời kỳ chạng vạng nữa, mà đã bước sang bình minh", người đứng đầu Chính phủ Nhật tự tin phát biểu .
Nhóm chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe được các chuyên gia gọi với cái tên Abenomics. Trong đó, nới lỏng tiền tệ và tài khóa đang được thực hiện rất mạnh tay. Các biện pháp cải tổ cấu trúc để bảo vệ đà phục hồi có tiến triển chậm hơn. Tuy nhiên, ông Abe cho biết sẽ tiếp tục áp dụng các sáng kiến nhằm mở cửa thị trường, khuyến khích sáng tạo và di cư, nâng cao tỷ lệ nữ giới trong các doanh nghiệp Nhật Bản.
Các biện pháp của ông đã có hiệu quả đáng kể. Chứng khoán nước này đã tăng hơn 50% trong năm 2013, mạnh nhất hơn 4 thập kỷ. Đồng yen giảm giá so với USD, giúp hàng xuất khẩu Nhật Bản rẻ hơn trên thị trường quốc tế.
Tăng trưởng kinh tế cũng nhích lên trong năm qua. Tuy nhiên, GDP quý III bất ngờ sụt giảm lại là tín hiệu cảnh báo nếu Nhật Bản không cải tổ triệt để, các thành công ban đầu sẽ sớm biến mất. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đầu tuần đã nâng dự báo tăng trưởng cho Nhật Bản năm nay lên 1,7%, nhưng dự đoán tốc độ này sẽ chậm lại trong năm 2015.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản hôm qua cũng thông qua giữ nguyên chương trình nới lỏng tiền tệ hiện tại. Cơ quan này cũng nhận xét nền kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi và lạm phát còn dưới mục tiêu 2% một thời gian nữa.
Tuy nhiên, chương trình kích thích của Nhật Bản cũng là nguyên nhân lạm phát tại eurozone và Mỹ không đạt mục tiêu, kể cả khi các nước này đang tăng trưởng, ngân hàng Barclays và Societe Generale nhận xét. "Khi tiền tệ của bạn giảm mạnh như đồng yen, bạn tạo ra lạm phát cho bản thân, nhưng lại khiến các nước khác giảm phát. Nếu chúng ta đến thời điểm lạm phát giảm tốc và tăng trưởng có dấu hiệu đi xuống, chiến tranh tiền tệ có thể sẽ bắt đầu", David Bloom – Giám đốc chiến lược tiền tệ tại HSBC cho biết trên Bloomberg.
Hà Thu