Khai mạc đêm qua (theo giờ Hà Nội), diễn đàn năm nay sẽ có sự tham gia của hơn 2.500 đại biểu, trong đó có số lượng kỷ lục chính trị gia từ gần 100 nước, và hơn 1.500 giám đốc doanh nghiệp tại hơn 20 lĩnh vực. Bên cạnh đó là đại diện các học viện, tổ chức xã hội và cộng đồng Những nhà vô địch mới (New Champions - các doanh nghiệp tiêu biểu toàn cầu). Các tỷ phú nổi tiếng như Bill Gates hay Michael Dell cũng sẽ tham dự WEF.
Chủ đề của WEF lần này là "Tái định hình trật tự thế giới: Những tác động lên xã hội, chính trị và kinh tế". Nội dung chủ yếu sẽ xoay quanh những vấn đề mà thế giới gặp phải do tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của khoa học – công nghệ, sự biến đổi xã hội và thay đổi trật tự kinh tế toàn cầu.
Hội nghị còn bàn thảo về nhiều chủ đề đang được quan tâm, như cải tổ kinh tế ở Trung Quốc, tái định hình trật tự tại Đông Nam Á và Nhật Bản, tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ hay tương lai ngành dầu mỏ thế giới. Điểm mới tại diễn đàn năm nay là vấn đề khoảng cách giàu – nghèo. Cuộc khảo sát của WEF với 700 chuyên gia đã cho thấy rủi ro lớn nhất với thế giới 10 năm tới là bất bình đẳng thu nhập, gây ra phân hóa xã hội. Sau đó mới đến thời tiết khắc nghiệt và tình trạng thất nghiệp.
Trong phiên khai mạc, WEF cũng công bố bản khảo sát được hãng dịch vụ tài chính PwC thực hiện trên hơn 1.300 lãnh đạo công ty. Theo đó, giới doanh nhân đang ngày càng tự tin vào tình hình kinh tế thế giới, dù vẫn còn e ngại với triển vọng tăng trưởng của công ty mình. 44% cho rằng kinh tế toàn cầu đang phục hồi, tăng mạnh so với 14% năm ngoái.
Hà Thu