Theo tính toán của giới đầu tư, quan chức Nhật Bản được cho là đã chi tổng cộng 9.000 tỷ yen (57,1 tỷ USD) trong hai phiên 29/4 và 2/5 để hỗ trợ nội tệ, sau khi đồng tiền này xuống thấp nhất 34 năm so với đôla Mỹ. Dù vậy, Tokyo đến nay vẫn chưa lên tiếng xác nhận họ có can thiệp hay không.
Việc này khiến nhà đầu tư quan tâm đến báo cáo thống kê tháng, sẽ được Bộ Tài chính Nhật Bản công bố hôm 31/5. Những số liệu này sẽ xác nhận suy đoán của nhà đầu tư.
"Thị trường quan tâm giới chức đã chi bao nhiêu để hỗ trợ đồng yen. Nếu số liệu cho thấy họ dùng một lượng lớn tiền, nhà đầu tư sẽ lo ngại về khả năng tiếp tục. Trong khi đó, nếu chỉ chi ra lượng nhỏ, tức là việc can thiệp khá hiệu quả", Shusuke Yamada - chiến lược gia tại BofA Securities Japan nhận định.
Dù vậy, báo cáo tháng chỉ cho thấy tổng số tiền Nhật Bản chi ra để can thiệp trong cả giai đoạn. Báo cáo chi tiết hơn, chia theo ngày sẽ có trong số liệu quý, công bố đầu tháng 8.
Hôm 29/4, yen xuống thấp nhất 34 năm so với USD ngay khi thị trường mở cửa, với 160 yen đổi một đôla Mỹ. Đến cuối ngày, tỷ giá phục hồi, về lại 156 JPY một USD, làm dấy lên đồn đoán giới chức Nhật Bản can thiệp để hỗ trợ nội tệ.
Đến ngày 2/5, yen tăng giá thêm 2%, tiến sát 153 JPY một USD. Diễn biến này cũng được cho là kết quả của một đợt can thiệp nữa.
Mốc 160 được coi là giới hạn cuối cùng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và Bộ Tài chính nước này. Hiện tại, tỷ giá là 157 yen đổi một USD.
Thị trường còn quan tâm đến việc liệu Nhật Bản có tiếp tục can thiệp hay không. Việc này lại chủ yếu phụ thuộc vào tình hình kinh tế Mỹ và khả năng giảm lãi suất của Fed, trong bối cảnh BOJ chưa có ý định nâng lãi năm nay. Chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và các nước phát triển khác là nguyên nhân chính khiến đồng yen yếu đi thời gian qua.
Tuần trước, khi lãnh đạo tài chính các nước G7 nhóm họp, Nhật Bản nhắc lại cam kết ngăn đồng yen biến động quá mức. "Khi không có nước nào phản đối, Nhật Bản nhiều khả năng sẽ tiếp tục can thiệp", Yoshimasa Maruyama - nhà kinh tế học tại SMBC Nikko Securities nhận định.
Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Masato Kanda gần đây cũng cảnh báo về khả năng can thiệp. Ông cho biết Nhật Bản sẵn sàng hành động trên thị trường "bất kỳ lúc nào". Kanda là người đứng sau việc chi 9.200 tỷ yen trong 3 ngày để cứu đồng yen năm 2022. Đó là lần đầu tiên nước này can thiệp hỗ trợ nội tệ trong 24 năm.
Các động thái của Nhật Bản đến nay có hiệu quả không đáng kể, Masafumi Yamamoto - chiến lược gia tại Mizuho Securities - cho rằng nước này nhiều khả năng vẫn sẽ can thiệp dù tỷ giá không vượt mốc 160.
"Nhật Bản có lẽ đã được G7 ủng hộ. Kể cả nếu tỷ giá chỉ là 158 JPY một USD, họ sẽ vẫn hành động", ông dự báo.
Hà Thu (theo Reuters)