Sau khi liên tục lập đáy 34 năm, giá yen Nhật Bản sáng nay tăng mạnh so với đôla Mỹ, từ 157,5 lên 153 JPY đổi một USD. Đôla Mỹ mất giá khi thị trường khá yên ắng.
Khi không có lý do rõ ràng, nhà đầu tư và giới phân tích cho rằng diễn biến này do động thái bán USD của Bộ Tài chính Nhật Bản để "cứu" đồng nội tệ.
"Không nghi ngờ gì cả, Bộ Tài chính Nhật Bản đã can thiệp", Daisaku Ueno - chiến lược gia ngoại hối tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, nhận định trên Reuters. Ông cho rằng mốc 160 yen một USD là "giới hạn cuối cùng" của quan chức Nhật Bản. Hôm 29/4, tỷ giá có thời điểm là 160,2 yen một USD.
"Diễn biến sáng nay là bằng chứng cho thấy Nhật sẽ can thiệp bất kể giờ nào, ngày nào. Họ còn tiếp tục làm việc này", ông nhận định.
Trên Reuters, cựu quan chức Bộ Tài chính Nhật Bản Takatoshi Ito cũng cho rằng việc can thiệp là có khả năng. Giới chức Nhật muốn ra tín hiệu 160 yen đổi một USD là giới hạn cuối cùng của họ.
Yen chịu sức ép gần 2 năm qua, khi Mỹ liên tục nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát, còn Nhật duy trì chính sách lãi âm cho đến gần đây. Điều này khiến dòng tiền đầu tư rời yen để tìm đến tài sản khác cho lãi suất cao hơn.
Hôm 1/5, sau phiên họp chính sách kéo dài 2 ngày, Fed quyết định duy trì lãi tiền gửi ở mức 5,25-5,5%, cao nhất 23 năm. Việc này sẽ gây sức ép lên yen, khi chênh lệch lãi suất giữa hai nước là hơn 5%.
Hiện, đà tăng của yen đã hạ nhiệt, khi mỗi USD đổi được 155,9 yen. Tính từ đầu năm, đồng tiền Nhật Bản mất giá 10% so với đôla Mỹ.
Nhà đầu tư cho rằng tuần này, giới chức Nhật chi khoảng 35 tỷ USD để kéo giá nội tệ lên. Lần gần nhất họ can thiệp vào thị trường là năm 2022, với 3 đợt trong tháng 9 và 10, khi tỷ giá là 152 yen đổi một đôla Mỹ.
Hà Thu (theo Reuters)