"Đây là năm thứ hai liên tiếp thu chi kiểu này rồi", chị Nhung, 31 tuổi, trú quận Hà Đông, Hà Nội, bức xúc nói.
Năm ngoái, con trai chị vào lớp 1, học công lập đúng tuyến. Người mẹ nói không ý kiến gì với các khoản thu của trường, nhưng riêng quỹ hội phụ huynh "không chấp nhận được". Trong năm con học lớp 1, chị đóng quỹ này bốn lần, tổng 1,3 triệu đồng.
"Lớp 51 học sinh, một năm đóng 66 triệu đồng tiền quỹ, trong đó tiền chi cho học sinh các ngày lễ, sinh nhật tổng khoảng 24 triệu đồng, photo tài liệu 2 triệu, còn lại không đề cập. Khi tôi yêu cầu giải ngân thì phụ huynh nói không, vì nhiều khoản nhạy cảm", chị Nhung nói.
Người phụ nữ này cho biết số tiền 1,3 triệu đồng không quá lớn, nhưng bức xúc vì cách làm việc không rõ ràng của ban phụ huynh.
Tới buổi họp hôm 23/9, chị Nhung trông chờ năm học mới, ban phụ huynh sẽ làm việc minh bạch và rõ ràng hơn, nhưng không được giải thích về các khoản chi năm ngoái, chỉ được báo đóng tiền cho năm nay.
"Tôi không đồng ý với kiểu làm việc tiền trảm hậu tấu của ban phụ huynh, chỉ hô đóng tiền mà không hề có dự thu, dự chi. Cách làm việc này khiến tôi đặt câu hỏi về tính minh bạch trong việc thu, chi các khoản", chị Nhung nói.
Ngoài quỹ phụ huynh, nhiều bố mẹ cũng không thoải mái vì cho rằng một số trường có các khoản không rõ ràng giữa tự nguyện và bắt buộc. Chị Hằng, 40 tuổi, sống tại Hà Nam, thuộc trường hợp này.
Đi họp phụ huynh cho con trai lớp 11 vào giữa tháng 9, người mẹ được thông báo đóng 1,4 triệu đồng, trong đó có 270.000 đồng cho 20 quyển vở ghi, bìa có in ảnh của trường. Một tuần sau, giáo viên lớp 5 của con gái cũng gửi danh mục các khoản cần nộp, bao gồm 150.000 đồng cho 15 quyển vở ô ly in logo trường.
"Cái đáng nói là giáo viên không hề thông báo rõ đây là khoản tự nguyện. Nó được đặt chung với hàng loạt khoản bắt buộc như bảo hiểm y tế, học phí", chị Hằng nói. Theo chị, vở mua tại trường có chất lượng giấy in không tốt, bìa mỏng, dễ mủn, nên không muốn con sử dụng. Khi chị từ chối nộp khoản này, nhiều phụ huynh khác mới biết đây là khoản không bắt buộc.
Mỗi đầu năm học, hàng loạt vấn đề liên quan tới các khoản thu được phản ánh.
Tuần trước, trường THCS Tứ Hiệp, Hà Nội, phải trả lại phụ huynh hơn 160 triệu đồng quỹ cha mẹ học sinh trường vì "chưa phù hợp". Ban đại diện lớp 1/2, trường Tiểu học Hồng Hà, TP HCM, phải trả lại 247,5 trong hơn 260 triệu đồng đã chi tiêu. Ở Hải Dương, trường THPT Thanh Miện 3 bị xác định có nhiều khoản thu không đúng, vượt mức quy định.
Theo một khảo sát được VnExpress thực hiện tháng 10/2022, trong 550 người được hỏi, 79% phản đối thu quỹ hội phụ huynh. Đa số cho rằng đây là khoản khó quản lý, dễ biến tướng.
Yêu cầu công khai các khoản thu, chi thường xuyên được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, đồng thời nhấn mạnh nhiều hơn vào đầu mỗi năm học - thời điểm phụ huynh phải nộp nhiều khoản cho con. Bộ cũng đã ban hành thông tư 55 năm 2011 về điều lệ hoạt động của ban phụ huynh, thông tư 16 năm 2018 về tài trợ cho các trường. Ngoài yêu cầu của Bộ, các địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng có những văn bản chỉ đạo riêng trong các hoạt động tài chính đầu năm học mới.
"Hành lang pháp lý để thu, chi minh bạch không thiếu, nhưng chuyện này, chuyện kia liên quan tới các vấn đề tài chính đầu năm học vẫn diễn ra", ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng, một trường tư ở Hà Nội, nói.
Ông Lâm cho rằng nguyên nhân chính tới từ việc người đứng đầu nhà trường chưa làm tốt trách nhiệm của mình. Theo ông, hiệu trưởng không trực tiếp nắm giữ quỹ phụ huynh của lớp, của trường, nhưng vẫn phải có biện pháp quản lý, giám sát để các khoản này được thu đúng nguyên tắc, sử dụng đúng mục đích.
Tuy nhiên những người nắm giữ quỹ phụ huynh cũng có tâm tư riêng của họ. Từng tham gia Ban Phụ huynh lớp của con gái học THCS, chị Lan Anh, 43 tuổi, trú quận Long Biên, Hà Nội, nói "chẳng được lợi lộc gì" mà toàn gánh áp lực. Các thành viên trong Ban Phụ huynh cũng thường xuyên bị chất vấn, nghi ngờ.
Chị cho biết ngoài mua sắm văn phòng phẩm, thiết bị cho lớp - những khoản mà chị gọi là "dễ thống kê", còn có những việc tế nhị như mua hoa và quà tặng giáo viên trong ngày Nhà giáo Việt Nam, Tết Nguyên đán, riêng các cô giáo có thêm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Giá hoa và quà trong những dịp này thường cao gấp 2-3 lần ngày thường, dù đã khảo sát thị trường và đặt số lượng lớn nhưng việc tốn kém là không tránh khỏi, chị nói.
"Chưa kể, không phải cửa hàng nào cũng có hóa đơn đỏ, nhiều khi chỉ là phiếu thu viết tay hoặc không có gì. Nên yêu cầu mọi khoản chi đều phải có hóa đơn là bất khả thi cho Ban Phụ huynh", chị Lan Anh nói. Sau hai năm trong Ban, chị quyết định xin thôi vì "vừa mệt, mất thời gian lại không được các phụ huynh khác ghi nhận".
Với việc để lẫn lộn giữa loại bắt buộc và tự nguyện, ông Nguyễn Hoàng Chương, nguyên hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát, tỉnh Lâm Đồng, góp ý không khó để tách bạch giúp phụ huynh. Trường cần có bản in danh mục, trong đó nói rõ khoản nào bắt buộc, khoản nào tự nguyện hoặc kêu gọi đóng góp để phụ huynh tiện theo dõi. Nếu cần, ông cho rằng hiệu trưởng có thể giải thích thêm về mức độ cần thiết, lý do đưa ra những khoản thu không bắt buộc.
"Tâm lý chung là không phụ huynh nào muốn nộp nhiều, nên cần cho họ thấy khoản đó thiết thực, cần thiết cho việc học tập của con cái. Tôi tin khi đó, phụ huynh sẽ cởi mở và cảm thấy thuyết phục", ông Chương nói.
Nếu tính trạng thiếu minh bạch khi kêu gọi đóng góp trong nhà trường còn tiếp diễn, các nhà giáo cho rằng nhiều người sẽ mất niềm tin vào ngành giáo dục. Đến khi có những việc cấp bách, thực sự cần sự chung tay của phụ huynh, trường sẽ khó kêu gọi đóng góp.
Chị Nhung vừa đóng 600.000 đồng tạm thu năm học mới cho quỹ phụ huynh lớp, sau lời hứa sẽ được biết rõ từng khoản thu chi. Lời hứa này chị coi như phép thắng lợi tinh thần để tin rằng sẽ không còn thấy bất bình mỗi đầu năm học.
Thanh Hằng