Ông Tuyển cho biết, trong nhiều năm qua, VN vẫn duy trì quan điểm không cho nhập ôtô cũ dù các nước liên tục yêu cầu VN bỏ lệnh cấm này. Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, chính các nước như Mỹ, Nhật Bản và EU đã yêu cầu VN phải bỏ biện pháp cấm nhập khẩu ôtô cũ.
Xưởng bảo dưỡng và sửa chữa ôtô. Ảnh: Minh Đức |
"Việc cho phép nhập ôtô đã qua sử dụng cũng chẳng qua là vì sức ép chứ thực sự VN không muốn như vậy. Nhưng để thực hiện cam kết vào WTO, chúng ta đành đồng ý cho nhập. Thực ra có cho nhập sớm mấy tháng cũng không thành vấn đề gì bởi vì trước sau VN cũng sẽ vào WTO", ông Tuyển nói.
Trong số hàng trăm lá thư bạn đọc gửi về VnExpress, nhiều độc giả cũng bày tỏ những băn khoăn liên quan đến chuyện có nên áp quota đối với xe đã qua sử dụng. Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho biết, quan điểm của Bộ Thương mại là không áp quota đối với việc nhập khẩu ôtô cũ bởi nếu VN gia nhập WTO theo đúng kế hoạch cuối năm nay thì việc áp hạn ngạch cho các mặt hàng nhập khẩu cũng sẽ bị loại bỏ.
Theo ông, hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến bàn cãi xung quanh cách tính thuế với mặt hàng ôtô đã qua sử dụng. Ông Tuyển cho rằng, khả năng VN sẽ phải dùng đến cả hai loại thuế là thuế tuyệt đối (tức là thuế "đánh" trên một chiếc, không phụ thuộc là nhập xe với giá bao nhiêu), cộng thêm thuế %.
"Đối với ôtô cũ, việc xác định giá trị của nó rất khó, vì thế, để chống gian lận về giá chúng ta buộc phải áp dụng biện pháp là thuế đánh vào một chiếc, còn mức bao nhiêu thì các bộ đang bàn", ông Tuyển nói.
Theo ông, với cách làm này, dù ôtô cũ bán ở nước ngoài giá rất rẻ nhưng về đến VN sẽ tăng lên rất cao. Chẳng hạn, cứ mỗi chiếc xe cũ đánh thuế 15.000 USD, sau đó cộng thêm thuế % là 150% thì giá của xe gộp lại sẽ đội lên rất nhiều, thậm chí ngang bằng với xe mới. "Chính phủ đã tính toán hợp lý để vừa bảo đảm sản xuất trong nước, vừa không để các doanh nghiệp sản xuất ôtô chèn ép người tiêu dùng", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Biện pháp quản lý thứ hai, theo ông Tuyển, là dựa trên việc ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật. Ngoài tiêu chuẩn chung là xe không được quá 5 năm sử dụng, còn cần các tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể của xe để đảm bảo an toàn. Đồng thời, tiêu chuẩn môi trường để chống chuyện xả khói cũng rất cần thiết. Tuy nhiên, những vấn đề này vẫn đang được các bộ bàn thảo và chưa có phương án thống nhất.
Điều khiến nhiều người quan tâm nhất hiện nay là khái niệm ôtô có thời hạn 5 năm dường như còn quá mơ hồ, cơ quan hải quan làm thế nào để xác minh được chính xác và cho thông quan. Phó cục trưởng Tổng cục Hải quan Đặng Thị Bình An thừa nhận, thời hạn 5 năm xét về mặt lý thuyết có thể căn cứ vào số khung, máy và ngày sản xuất... nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế xác định được đúng giá trị xe lại là một thách thức lớn đối với hải quan bởi mỗi bộ, ngành lại có những quy định về tiêu chuẩn riêng. Do vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan để tìm phương án chung.
Bản thân hải quan cũng trình Bộ Tài chính nhiều đề án để xác định cụ thể đối với ôtô cũ diện nào được phép cho thông quan, đối tượng nào phải lập hồ sơ khai báo, loại ôtô bị cấm... Bên cạnh đó, tổ chức lớp tập huấn cho các cán bộ hải quan và rà soát toàn bộ văn bản có liên quan nhằm phát hiện những kẽ hở trong chính sách mà doanh nghiệp có thể lợi dụng. "Chúng tôi sẽ sớm báo cáo Bộ Tài chính để "thúc" các bộ khác nhanh chóng điều chỉnh, ban hành hướng dẫn nhằm tạo điều kiện cho cán bộ hải quan làm tốt công việc", bà An nói. Theo bà, phía hải quan đang gấp rút làm việc với các bộ Giao thông Vận tải, Thương mại, Tài chính, Tài nguyên Môi trường... để thống nhất quy định về tiêu chuẩn chất lượng.
Hồng Anh - Hà Vy