Tôi động viên, với bằng cấp và mức lương đó, anh sẽ được cấp thẻ cư trú dành cho lao động chất lượng cao với thủ tục rút gọn rất nhiều so với lao động nước ngoài bình thường.
Nhưng tôi không có niềm lạc quan tương tự khi tiếp xúc với trường hợp của chị Thu. Chị Thu đến Pháp bằng visa du lịch và ở lại lao động trái phép tại một quán ăn. Chị bị cảnh sát phát hiện và tạm giữ với visa đã hết hạn. Quyết định trục xuất đến với chị không lâu sau đó. Chúng tôi không có cách nào để hỗ trợ.
Cộng đồng người Việt ở Pháp vẫn thường chia sẻ với nhau những câu chuyện vui có buồn có về đồng bào mình ở nước ngoài. Nhưng chúng tôi luôn bất lực và lấy làm xót xa trước những hoàn cảnh tương tự chị Thu, mà tôi biết, vốn không hiếm gặp với người Việt đang sống và làm việc bất hợp pháp ở các nước phát triển.
Để sử dụng lao động người nước ngoài, trừ các trường hợp có yếu tố gia đình với công dân Pháp, nước này có những quy định rất chặt chẽ cho từng nhóm đối tượng. Sinh viên nước ngoài muốn ở lại sau khi tốt nghiệp sẽ được xem xét cấp giấy phép cư trú một khi được phép làm việc. Những lao động trình độ cao (tốt nghiệp Thạc sĩ trở lên và có mức lương gấp đôi mức lương tối thiểu), như Tài, không cần phải xin giấy phép lao động nhưng vẫn phải chờ một thời gian để hoàn thiện quá trình xin cấp giấy tờ cư trú.
Phần lớn ứng viên còn lại sẽ phải trải qua sự thẩm định của cơ quan cấp phép lao động (công việc liên quan ngành nghề đã tốt nghiệp, mức lương gấp rưỡi mức lương lao động tối thiểu hoặc trong lĩnh vực thiếu hụt lao động) rồi mới nói đến chuyện xin cấp giấy tờ cư trú. Điều kiện "trong lĩnh vực thiếu hụt lao động" nghĩa là: đơn vị sử dụng phải chứng minh họ không thể tìm được nhân công bản địa đáp ứng các tiêu chí nghề nghiệp trong một khoảng thời gian theo quy định, và ứng viên nước ngoài phải được đào tạo cũng như có kinh nghiệm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.
Những người đến Pháp với tư cách du khách như chị Thu không thể có giấy phép lao động để làm việc một cách hợp pháp. Đơn vị sử dụng lao động nước ngoài bất hợp pháp sẽ đối diện với những biện pháp trừng phạt rất nặng.
Và không chỉ Pháp mới chặt chẽ như vậy. Phần lớn quốc gia đều có những quy định và quy trình tương tự nhằm chọn lọc lao động nước ngoài theo chất lượng và nhu cầu của thị trường trong nước trên cơ sở bảo vệ quyền lao động của người dân.
Ở Việt Nam, từ khoảng 20 năm trước, chúng tôi bắt đầu tiếp xúc với những người nước ngoài gốc châu Phi đến sinh sống và làm việc tại TP HCM. Thời điểm ấy, V-League (giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia) đã cho phép sử dụng ngoại binh được vài năm. Thanh niên châu Phi kéo sang Việt Nam vì tin rằng, nền bóng đá Việt Nam còn yếu và họ có thể kiếm được tiền. Nhưng thực tế thì, trình độ của các cầu thủ Việt Nam không tệ như họ nghĩ, nên chỉ phần ít người nước ngoài gốc châu Phi có thể làm cầu thủ ở V-League. Những người còn lại không đủ tiền trở về nhà nên đã ở lại Việt Nam để lao động bất hợp pháp.
Người dân quận Tân Phú lúc bấy giờ không lạ lẫm gì với hình ảnh những người gốc Phi trải chiếu, bạt trên vỉa hè mỗi chiều để bán quần áo và giày dép. Mỗi dịp đi dạo ở trung tâm thành phố vào khoảng đầu những năm 2010, tôi luôn thấy rất nhiều người nước ngoài sống lang thang ở Công viên 23/9 (quận 1). Năm 2013, chương trình nghiên cứu về AIDS của Đại học Y Havard tại Việt Nam từng đề cập đến sự bùng nổ của nạn mại dâm nam với các "ông Tây châu Phi" ở Công viên 23/9.
Vì thế, tôi không bất ngờ, khi gần đây người dân Hà Nội cũng bắt đầu quen với sự hình thành của "xóm lao động châu Phi" cùng hàng trăm người lao động đến từ "lục địa đen". Họ tới thuê trọ và làm các công việc tay chân ở phường Nhật Tân, Tứ Liên (quận Tây Hồ). Họ thậm chí còn dạy tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ.
Với tình hình kinh tế xã hội hiện nay, tôi không nghĩ Việt Nam cần nhập khẩu lao động phổ thông. Chuyện người nước ngoài dễ dàng tìm được việc với tư cách giáo viên - bao gồm giảng dạy cho trẻ em - thậm chí có thể gây ra nỗi lo ngại, cả về mặt giáo dục lẫn sự an toàn cho trẻ nhỏ, khi chính các giáo viên này chưa đáp ứng được điều kiện tối thiểu về cư trú và lao động hợp pháp.
Về mặt pháp lý, Luật số 47/2014/QH2013 và Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định khá rõ về điều kiện xuất nhập cảnh và cư trú cũng như cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam. Nhưng thực tế cho thấy tình trạng lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp và lao động phổ thông tại Việt Nam diễn ra trong nhiều năm qua, và không còn giới hạn tại một địa phương.
Người dân dễ dàng phát hiện ra những "ông Tây" buôn bán trên vỉa hè hay làm lao động phổ thông trong các xóm trọ thì việc tiến hành kiểm tra hành chính của địa phương không phải là chuyện khó. Tiếp đó, nếu các cơ quan chức năng làm đúng trách nhiệm của mình, vấn đề truy nguồn gốc các cá nhân hay tổ chức đã bảo lãnh cho những "ông Tây" đó nhập cảnh cũng như truy cứu trách nhiệm của họ là điều hoàn toàn khả thi.
Lao động nhập cư bất hợp pháp là một vấn đề lớn đối với nhiều quốc gia, thậm chí trở thành chủ đề chính của các chiến dịch vận động tranh cử lãnh đạo đất nước. Việt Nam chưa trở thành "miền đất hứa" cũng như không có vị trí địa lý thuận lợi cho dòng người di cư từ châu Phi, nhưng vẫn bắt đầu manh nha hình thành những khu vực hấp dẫn với người nhập cư bất hợp pháp. Chuyện không hẳn vui, cũng chẳng phải buồn, nhưng đáng quan tâm và lo ngại. Nếu không kiểm soát tốt, tình trạng này có thể gây mất an toàn trật tự xã hội, ảnh hưởng đến an sinh, thậm chí an ninh quốc gia nếu dòng lao động bất hợp pháp tiếp tục phình to ra, hoặc đến từ những khu vực có điều kiện địa lý thuận lợi hơn.
Võ Nhật Vinh