Nhiều năm rồi, đôi khi vào những khoảng thời gian mùa xuân về, khi bạn bè các nơi xứ lạnh trên Facebook bắt đầu khoe hoa khoe cỏ của một sự sống hồi sinh sau những ngày đông giá rét, tôi lại nhớ đến kỷ niệm ấy. Trong những nỗi niềm nhung nhớ ấy, tôi lại thầm hỏi lòng "Nhành xuân ấy giờ này nơi nao?"
Đó là năm đầu tiên tôi xa nhà, bắt đầu cuộc sống của một du học sinh ở Nga, xứ sở một năm có đến 6, 7 mùa tuyết rơi. Đến bây giờ tôi không còn nhớ tình yêu của tôi với chàng trai mắt nâu, tóc nâu, da trắng và sóng mũi cao vút ấy bắt đầu như thế nào. Có lẽ là chúng tôi bắt đầu từ những khoảng thời gian cùng co ro chờ xe bus tới trường trong gió rét và tuyết lạnh. Ngày đó, tôi chẳng bao giờ thấy mình đủ ấm trong chiếc áo khoác nặng tới vài ký, đôi giày cao cổ vướng víu và chiếc nón lông muốn lút khuôn mặt nhỏ nhoi. Cái lạnh từ ngoài vào không lạnh bằng cái lạnh từ trong ra của một cô gái mới chỉ tròn 18 tuổi, bơ vơ và cô độc trong gió lạnh.
Người ấy chú ý đến mái tóc dài quá lưng, dày, chắc và óng mượt của tôi. Mái tóc không thể nào chịu nằm yên trong chiếc mũ lông chật chội, cứ chỉ chờ một động tác đột ngột hay một cơn gió mạnh là vươn ra ngoài từng lọn dài, đổ xuống áo. Có một lần, khi tôi đang cố gắng nhét tóc vào trong cổ áo thì người ấy đã tiến đến gần và bảo tôi: “Tóc của bạn nhìn… ấm quá”. Tôi chỉ mỉm cười. Người ấy nói tiếp: “Bạn có thể cho tôi sờ vào tóc bạn một cái cho… ấm không?”. Đến đó thì tôi phì cười. Chúng tôi đã quen nhau như thế, nhẹ nhàng và có chút gì đó vui vui, trong một ngày tuyết rơi mù mịt nhưng thật ấm áp.
Tình yêu đầu tiên ấy của tôi vô cùng ngắn ngủi, chỉ kéo dài chừng vài tháng. Đến nay, khi nhớ lại, tôi cho rằng khi đó chưa thật sự chuẩn bị cho mình một tâm lý yêu. Tôi bị cuốn vào sự ấm áp. Nỗi cô đơn và lạnh giá của những ngày tháng du học đầu tiên là chất xúc tác đẩy tôi đến vòng tay nhẹ nhàng, trìu mến của người đàn ông nước ngoài. Và tôi lần đầu tên nghe được tiếng “yêu” lại không phải bằng tiếng Việt. Điều đó với tôi có gì đó bất ngờ, có gì đó lạ lẫm và có gì đó cứ là… dè chừng, bên cạnh một cảm giác khao khát tình cảm, sự chia sẻ, sự bao bọc…
Và tất cả chỉ dừng lại ở đó, ở những cái hôn mà tôi cố tránh, cái nắm tay khiến tôi luôn ngượng nghịu. Tôi chấp nhận ở người ấy lời tỏ tình, nhưng từ chối mọi cử chỉ, biểu hiện dịu dàng, yêu thương. Tôi hình như chưa sẵn sàng cho tình yêu. Ngây thơ, trong trắng và hồn nhiên, tôi không hiểu nổi hết những biểu hiện yêu thương của một người đàn ông ngoại quốc. Và người đó, một người đàn ông châu Âu cũng rụt rè trước tôi, cô gái châu Á, nhỏ nhắn, mảnh mai, có phần bí hiểm và xa cách, như người đó từng nói.
Chúng tôi quen nhau khoảng một tháng thì đến ngày năm mới. Đêm năm mới đầu tiên trên xứ người, tôi khát khao muốn tìm hiểu xem người dân nước Nga đón chào năm mới ra sao. Rủ mãi, không có bạn bè nào dám mạo hiểm ra đường, đi lên đồi Lê Nin giữa đêm lạnh. Tôi quyết định đi một mình. 12 giờ đêm, tôi hòa vào dòng người trên quảng trường, hô vang những lời chúc tụng với một nhóm bạn mới quen và được họ rủ đi trượt xan-ki. Cũng nhờ cuộc phiêu lưu đó mà tôi biết rằng một trong những truyền thống của Nga ngày năm mới là trượt trên những chiếc xe kéo nhỏ xíu, lao vùn vụt trong tuyết trắng xuống chân đồi, và cười vang trong tiếng lắc rắc của tuyết thủy tinh…
Sáng mùng một, khi chia tay với bạn bè, họ tặng tôi những cành cây nhỏ có những nụ nho nhỏ được phủ bởi một lớp lông tơ mịn màng. Họ bảo tôi đem về cắm vào nước và chờ điều kỳ diệu sẽ xảy ra...
Tôi mang những nhành cây nhỏ ấy về tặng cho người ấy.
Cách sau đó vài tháng, bất chợt một lần tôi nhìn thấy người ấy với một người con gái khác, một cô gái châu Mỹ La tinh mạnh mẽ, bốc lửa và xinh đẹp. Cái thoáng nhìn bối rối, che dấu của hai người khiến tôi hiểu ra điều gì đó. Tôi đã quay lưng bỏ đi, không cho người ấy cả một cơ hội đến gần để thanh minh. Lúc đó, tôi cảm thấy ánh mắt bối rối của người ấy xúc phạm ghê gớm đến sự trong trẻo, ngây thơ mà tôi đã dành cho tình cảm giữa hai người.
Lại thêm một, hai tháng nữa trôi qua. Mùa xuân về trên nước Nga. Những ngày gió ấm tuyệt đẹp tràn về. Đất bắt đầu lộ ra từng vầng ngọt ngào cỏ và hoa sau tuyết lạnh. Trái tim tôi cũng tưng bừng nở hoa. Câu chuyện tình cảm không còn lại dấu vết nào nữa, nó đã nhẹ nhàng bay theo làn gió xuân.
Một ngày nọ, người ấy gõ cửa phòng tôi. Tôi ra mở cửa và bất ngờ lắm. Bởi đã mấy tháng, người ấy còn không dám đến lại gần tôi. Người ấy nhìn tôi, ánh mắt rất lạ kỳ, vừa hân hoan, rực rỡ, vừa xúc động đau đớn. Nó tràn ngập nước. Người ấy bảo tôi: “Anh cứ tưởng nó chết rồi, nhưng em xem này, nó còn sống…”. Người ấy chìa ra trước mặt tôi mấy cành lá tôi mang về đêm Giao thừa. Chúng đã nẩy ra những chiếc lá xanh tươi, nõn nà. Chúng ra cả những chùm rễ trắng trong chiếc bình thủy tinh trong vắt. Tôi nhìn thấy bàn tay người ấy run run, thấy ánh mắt người ấy đầy van xin. Nhưng khi đó, tôi chỉ là một cô bé 19 tuổi đầy kiêu hãnh và tự ái. Tôi trả lời người ấy: “Rồi nó cũng chết thôi, thứ nhành cây chỉ quen sống trong phòng. Anh thử mang nó ra ngoài vườn mà xem”. Tôi đóng cửa, không một thoáng suy nghĩ, băn khoăn…
Nhiều năm trôi qua, giờ đây khi tôi là một người trưởng thành, khi mọi thứ xa rồi, xa lắm… đôi khi nhớ lại những ngày giá lạnh đầu tiên trên xứ người, nhớ lại những ngọn gió xuân đầu tiên trên xứ người, tôi lại tự hỏi mình "Nhành xuân năm ấy giờ nơi nao?"
Song Văn
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com