Giữa trưa ngày cuối tháng 7, bà Trần Thị Tịnh (50 tuổi, ở ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang) huy động gần 20 nhân công tất bật cắt nhãn cho đơn hàng một tấn được người dân Vũng Tàu "giải cứu" qua kết nối của chính quyền xã.
Vườn của bà rộng 2,5 ha, trồng 700 gốc nhãn xuồng cơm vàng sáu tuổi. Mọi năm thu gần 10 tấn quả, thu nhập 300-400 triệu đồng. Vụ này cây ra quả đều, được mùa nhất từ trước đến nay, ước tính khoảng 20 tấn quả. Cả vườn chín rộ gần một tháng, trúng thời điểm thị trường tiêu thụ chính TP HCM và các tỉnh miền Đông dịch bệnh diễn biến phức tạp, các chợ tại địa phương đóng cửa khiến đầu ra bế tắc.
"Thường đầu vụ tôi bán 60.000 đồng mỗi kg, thấp nhất cũng 30.000 đồng. Bây giờ 15.000 đồng một kg, nhưng không có ai hỏi mua", bà Tịnh nói.
Quả nhãn chín không thu kịp, gặp tiết trời nắng mưa thất thường trở nên mọng nước, nhạt dần và rụng. "Cứ mỗi cơn mưa, kèm gió ào qua, nhãn rụng lạch bạch xót ruột gan. Có ngày, vườn rụng 700-800 kg", bà nói và hy vọng có ai đó giúp bán nhãn để trang trải chi phí hơn 100 triệu đồng đã bỏ ra. "Không bán được thì để rụng chứ không có cách nào khác", bà nói.
Cách đó chừng 20 km, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Nhân Tâm (ở xã Hòa Hiệp) có 15 hộ trồng nhãn, với 21 ha. Trong đó, 14 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Trước dịch, nhãn được cung cấp cho hệ thống các siêu thị ở TP HCM và nội tỉnh. "Bây giờ TP HCM chỉ còn một siêu thị mua, với hạn mức từ 500 kg đến một tấn một ngày, giá 40.000 đồng một kg. Trong khi nhãn của bà con đang chín ồ ạt quá, nguồn cung hơn 10 tấn mỗi ngày, không thể nào bán hết được", ông Phan Thế Hoành, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Nhân Tâm nói.
Ông Hoành gom đơn, lái xe tải chở "bán chợ đen", ship lẻ, với giá 15.000 đồng mỗi kg. "Người 10 kg, 20 kg, tôi giao suốt ngày đêm, đuối quá rồi", ông nói và cho biết, sau bốn ngày nỗ lực, ông giúp người dân bán được 15 tấn. "Sức tiêu thụ rất chậm khiến nhãn trong vườn nhà dân rụng đến 30%. Bà con rất sốt ruột, giá nào cũng bán", ông nói và cho biết, năm nay nhãn được mùa, nhưng lỗ trầm trọng.
Để thúc đẩy việc tiêu thụ nhãn, ông Hoành mong cơ quan chức năng tạo điều kiện cho việc giao hàng sỉ đến một điểm. "Tôi chở xe tải, chạy vòng vo vào tận nhà dân đưa được 5-10 kg nhãn, cực lắm", ông Hoành nói.
Nhãn xuồng Bà Rịa – Vũng Tàu dày cơm, ngọt, thơm nhẹ. Với đa dạng về chủng loại như nhãn xuồng cơm vàng, nhãn xuồng bao công, nhãn quế, nhãn bắp cải..., nhãn được trồng ở Vũng Tàu, huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ và thị xã Phú Mỹ.
Ông Dương Tấn Linh, Chủ tịch hội Nông dân huyện Xuyên Mộc cho biết, địa phương có 450 ha nhãn xuồng cơm vàng, nhãn Thái đã chín rộ 70% và hiện còn tồn đọng gần 1.000 tấn nhãn. Sau ba ngày kêu gọi người dân, cơ quan ban ngành trong tỉnh đã tiêu thụ được 124 tấn nhãn, với giá 15.000 đồng một kg.
Ông Linh cho biết, quá trình này nảy sinh vấn đề là đơn hàng nhỏ lẻ không thể giao được. Trong khi đơn hàng lớn của các siêu thị thì người nông dân lại đáp ứng được các yêu cầu về đóng gói, nhãn mác...
"Người trồng nhãn rất nhiều, song chưa có sự liên kết, cử người đại diện để thỏa thuận mua bán. Điều này dẫn đến có nông sản, có người mua nhưng một số nông dân không bán được hàng", ông Linh nói và cho biết, một số đăng ký xe "luồng xanh" mạnh dạn chở hàng ra ngoại tỉnh, còn phần lớn xe ngại đi vì sợ trắc trở.
Theo ông Linh, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, các xã với nhau chốt chặn không cho xe qua chở hàng. Những trường hợp này đều được địa phương giải quyết, nhưng vô tình nó tạo ra tâm lý e dè cho thương lái. Thêm vào đó, người đi buôn thời điểm có mối lo nhiễm bệnh nên chọn ở nhà chờ qua dịch.
Trường Hà