Rất nhiều bạn bè của tôi đang công tác ở trong cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Mỗi lần hẹn nhau đi cà phê là lại nghe các bạn phàn nàn về việc sếp suốt ngày chỉ biết quát tháo, đòi hỏi nhân viên phải làm việc hết công suất, chẳng bao giờ cho cấp dưới trình bày ý kiến, kể cả trong các cuộc họp.
Hễ nhân viên có ý kiến phản biện thì y như rằng bị sếp cắt ngang không cho nói tiếp hoặc trình bày những vấn đề chẳng liên quan gì đến. Hoặc có người than thở sếp khó gần, khô khan, chỉ biết có công việc, không bao giờ giao lưu với nhân viên, không thấu hiểu tâm tư của nhân viên.
Những bức xúc ấy cứ tích tụ dần dần, nhân viên lại đi tụm năm tụm bảy chuyện trò to nhỏ, chuyện bé xé ra to. Rồi một số người bạn của tôi đã xin đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc để tìm cho mình một môi trường làm việc tốt hơn, thoải mái hơn và quan trọng là có sếp phải thật cởi mở, gần gũi với nhân viên, biết lắng nghe họ nói.
Người ta bảo "Không quan trọng bạn làm việc ở đâu mà quan trọng ở chỗ sếp của bạn là ai". Tôi may mắn được làm việc cùng sếp-người có năng lực, tâm huyết, luôn đặt lợi ích của tập thể lên hàng đầu, có tâm trong sáng, luôn biết nghĩ về người khác trước khi nghĩ đến mình, luôn biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân viên.
Tôi nhận ra việc bạn biết lắng nghe sẽ giúp xây dựng được các mối quan hệ bền chặt, giúp tạo dựng niềm tin, giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo linh hoạt, làm cho đối tác, khách hàng hạnh phúc hơn, tạo ra một nền văn hóa lắng nghe, có thêm nhiều thông tin, tạo ra nhiều sự đồng cảm hơn, tạo thêm động lực cho nhân viên, giúp tinh thần của lãnh đạo thoải mái hơn.
Tất cả những lợi ích này dẫn đến tác động tích cực đến một cơ quan, doanh nghiệp. Lắng nghe tưởng chừng đơn giản nhưng đây là một trong những thiếu sót giao tiếp mà các nhà quản lý thường mắc phải. Qua bài viết này, tôi muốn chia sẻ rằng, chân thành sẽ đổi lấy chân thành. Những lời tử tế chân thành, những cuộc trao đổi ngắn về chuyện gia đình, chuyện cá nhân nếu nhân viên cần chia sẻ, sẽ là khoảnh khắc giúp mọi người thân thiết và gắn kết với nhau nhiều hơn.
Lắng nghe dạy bạn nhiều hơn là lời nói. Đó là lý do tại sao chúng ta có tận hai tai mà chỉ có một miệng. Lắng nghe là chìa khóa cho tất cả các giao tiếp hiệu quả. Lắng nghe - một kỹ năng trong giao tiếp, tưởng như rất đỗi bình thường trong cuộc sống và trong tổ chức, nhưng không phải ai cũng làm được. Thực tế đáng buồn trong môi trường công sở hiện nay, không ít người đảm nhận chức vụ lãnh đạo nhưng không có kỹ năng này, không chịu lắng nghe ý kiến của nhân viên, đã đánh mất sự sáng suốt cần thiết.
Để trở thành một người lãnh đạo giỏi, cần phải có nhiều kỹ năng nhưng theo tôi, kỹ năng lắng nghe là điều quan trọng nhất. Một người lãnh đạo giỏi và được nhiều nhân viên quý mến không chỉ vì họ giỏi công tác chuyên môn, giỏi quản lý và trả lương cao cho nhân viên mà còn vì cách cư xử của họ đối với người dưới quyền. "Biết lắng nghe" là một trong những thái độ tích cực của lãnh đạo khiến nhân viên hài lòng nhất.
Hiện nay, có không ít lãnh đạo chưa chịu khó lắng nghe vì nghĩ rằng mình là giỏi, mình là lãnh đạo, nên thích nghe lời khen, tán thành mà không muốn nghe những ý kiến trái chiều của cấp dưới.
Lắng nghe - tưởng như một việc thật đơn giản, lại là món quà ý nghĩa nhất mà bạn có thể dành cho nhân viên và cho chính mình. Chúng ta có thể không làm được điều gì lớn lao nhưng có thể làm cho cuộc sống này dễ chịu hơn một chút bằng cách sống chậm lại, dành thời gian để lắng nghe và thấu cảm, để trân trọng hơn những người đang cùng mình đi qua những tháng ngày không thể nào quên này.
Vũ Thị Minh Huyền
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.