"Để giúp chúng tôi giảm căng thẳng, Facebook đã dùng 'huấn luyện viên chăm sóc sức khỏe' để hỗ trợ", Isabella Plunkett, 26 tuổi, làm việc cho Covalen - một trong những nhà thầu lớn nhất của Facebook ở Ireland - kể lại. "Những người này có ý tốt, nhưng họ không phải là bác sĩ. Họ đề nghị chúng tôi hát karaoke hoặc vẽ tranh, nhưng không phải lúc nào bạn cũng cảm thấy muốn hát. Thành thật mà nói, điều đó thật khó khăn sau những gì bạn tiếp xúc khi kiểm duyệt".
Plunkett xuất hiện trong phiên điều trần Facebook của Quốc hội Ireland hôm 13/5 để nói về những vấn đề liên quan đến kiểm duyệt của Covalen. Cô nói rằng sự hỗ trợ của Facebook dành cho những người kiểm duyệt là có thiện chí, nhưng chúng không thể khiến công việc kiểm duyệt bớt căng thẳng.
Cũng theo Plunkett, bạo lực, bạo lực trẻ em và tự tử chỉ là một trong những nội dung mà cô phải tiếp xúc với chúng hàng giờ. "Tôi thường xuyên có những giấc mơ khủng khiếp về những thứ đã thấy và trong nhiều tháng. Tôi đã phải dùng tới thuốc chống trầm cảm vì các nội dung kiểm duyệt", cô nói với ủy ban.
Plunkett cho biết đã tìm đến một bác sĩ chuyên về điều trị tâm lý. Giống những người kiểm duyệt nội dung Facebook khác, cô không được phép tiết lộ với bạn bè và gia đình về công việc mình đang làm. Cô cũng buộc phải ký một thỏa thuận không tiết lộ những gì mình sẽ làm khi bắt đầu công việc.
"Bạn luôn cảm thấy rất cô đơn", Plunkett nói.
Trong khi đó, phát ngôn viên Facebook cho biết công ty không thể kiểm soát hết tất cả những người kiểm duyệt nội dung, đồng thời "nhận ra rằng việc xem xét một số nội dung có thể gây khó khăn cho người kiểm duyệt". Tuy nhiên, mạng xã hội khẳng định người kiểm duyệt nội dung được "đào tạo chuyên sâu" và được hỗ trợ tâm lý để đảm bảo sức khỏe.
"Chúng tôi cũng đang sử dụng các giải pháp kỹ thuật để hạn chế người kiểm duyệt tiếp xúc quá nhiều với các nội dung độc hại trên nền tảng", đại diện Facebook cho biết.
Trong khi đó, đại diện Covalen thừa nhận việc xem xét một số loại nội dung nhất định trên các nền tảng truyền thông xã hội "có thể khó khăn". Tuy nhiên, công ty khẳng định đã hỗ trợ hết sức mình cho nhân viên, gồm giám sát 24 giờ, huấn luyện sức khỏe bởi "các chuyên gia có trình độ cao" và đào tạo nâng cao về tâm lý, giải tỏa căng thẳng.
Theo thống kê năm 2020, Facebook đang có đội ngũ kiểm duyệt khoảng 35.000 người, chủ yếu thuê từ các công ty bên thứ ba, kết hợp với AI để lọc các nội dung độc hại, bạo lực trên mạng xã hội. "Đội ngũ 35.000 chuyên gia an toàn và bảo mật mạnh mẽ của chúng tôi làm việc cùng AI tinh vi để chủ động xác định và xóa nội dung này và chúng tôi kêu gọi mọi người báo cáo", đại diện Facebook cho biết.
Bảo Lâm (theo Business Insider)