Phòng điều trần của Ủy ban Thương mại Thượng viện có thể chứa khoảng 150 người nhưng khá vắng khi phiên điều trần diễn ra từ 21h ngày 28/10 (giờ Hà Nội). Chỉ một số ít thành viên ủy ban có mặt trực tiếp. Cả ba CEO đều trả lời trực tuyến. Theo Washington Post, sự trống vắng một phần do đại dịch khiến các thành viên uỷ ban, phóng viên và nhân chứng chọn theo dõi qua màn hình để giãn cách xã hội.
Uỷ ban Thương mại Thượng viện Mỹ chất vấn Mark Zuckerberg, Sundar Pichai và Jack Dorsey về việc liệu họ có thành kiến khi kiểm duyệt nội dung, cũng như có nên thay đổi Điều 230 trong Đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông (CDA) của Mỹ.
Điều 230, ra đời cách đây 24 năm, được ví như "lá chắn" khi cho phép các mạng xã hội không phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với nội dung mà người dùng đăng tải. Theo New York Times, có một khẩu hiệu ngầm ở thung lũng Silicon rằng: Chúng tôi chỉ tạo ra công nghệ, mọi người sử dụng nó như thế nào là chuyện khác. Tuy nhiên, khi ngày càng bành trướng với hàng tỷ người dùng, các mạng xã hội cũng bắt đầu chịu nhiều sức ép, không chỉ ở Mỹ mà cả ở các nước khác, trong việc phải kiểm soát chặt hơn những thông tin sai lệch, thất thiệt...
Thượng nghị sĩ Wicker: Các mạng xã hội có thành kiến khi duyệt thông tin
Chủ tịch Uỷ ban Thương mại Thượng viện Roger Wicker mở đầu bằng cách buộc tội các công ty có thể "cản trở luồng thông tin để có lợi cho một hệ tư tưởng chính trị". Ông trích dẫn thực tế là Facebook và Twitter đã chặn hoặc hạn chế quyền truy cập tới bài báo của New York Post về Hunter Biden - con trai của Joe Biden.
Thượng nghị sĩ Maria Cantwell của đảng Dân chủ lại tập trung vào hàng loạt nội dung độc hại trên mạng, trong đó có mối đe dọa về thông tin sai lệch liên quan tới bầu cử có thể tác động tới quyết định của người Mỹ khi bỏ phiếu. Bà nhắc lại bóng ma của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, khi Nga bị cho là sử dụng các email bị hack và phát tán thông tin sai lệch để reo rắc bất hoà giữa các cử tri. Cantwell cảnh báo tính toàn vẹn và an ninh của cuộc bầu cử vẫn đang bị tấn công từ cả nước ngoài lẫn trong nước.
CEO Twitter bị 'xoay' về việc dán nhãn tweet của Trump
Jack Dorsey là người đầu tiên trong ba CEO phát biểu tại phiên điều trần. Ông xuất hiện trên màn hình trực tuyến với bộ râu dài và đeo khuyên mũi. Ông phản bác quan điểm của Thượng nghị sĩ Wicker: "Quy tắc của Twitter không dựa trên hệ tư tưởng hoặc một nhóm niềm tin cụ thể. Chúng tôi tin tưởng vào sự công bằng và cố gắng thực thi các quy tắc của Twitter một cách công bằng".
Twitter là công ty duy nhất trong sự kiện không bị điều tra về vấn đề độc quyền, vì quy mô của nó nhỏ hơn đáng kể so với Facebook và Google. Dorsey nhấn mạnh rằng việc thay đổi Điều 230 có thể có tác động lớn đến các đối thủ nhỏ hơn, như công ty của ông.
Wicker bắt đầu chất vấn việc Twitter dán nhãn tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó nói rằng việc bỏ phiếu qua thư có thể dẫn đến gian lận. Dorsey khẳng định Twitter đã xem xét mức độ ảnh hưởng của tweet và "hành động nhanh nhất có thể".
Đáp lại, Wicker liệt kê một loạt tweet khác, trong đó có của một quan chức Trung Quốc, và chỉ trích Twitter thực ra quá chậm chạp trong việc phản ứng hoặc không có hành động gì. Các thành viên của đảng Cộng hòa cho rằng rằng các công ty công nghệ đang có thành kiến với phe bảo thủ.
Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn hỏi tại sao Trump bị "kiểm duyệt" 65 lần còn Biden lại không bị kiểm duyệt lần nào. Dorsey khẳng định Trump không bị "kiểm duyệt": "Nói rõ ràng, chúng tôi không kiểm duyệt tổng thống. Chúng tôi không gỡ các tweet ngài đang đề cập tới, mà chỉ bổ sung bối cảnh, giống như chúng tôi thực hiện với bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào".
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Ted Cruz không hài lòng với Twitter khi kiểm duyệt bài báo của New York Post về Hunter Biden. Cruz hỏi Jack Dordey liệu ông có tin Twitter có ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử.
Dorsey trả lời một cách rõ ràng: "Không" và khiến Cruz tức giận.
Thượng nghị sĩ Ron Johnson yêu cầu Dorsey giải thích rõ hơn về quan điểm rằng Twitter không có ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Johnson trích dẫn một tweet nói đùa rằng ông đã bóp cổ con chó của hàng xóm và cho rằng nội dung này có thể "ảnh hưởng đến khả năng tôi được bầu lại".
"Đó không phải là sự can thiệp bầu cử sao?", ông hỏi.
Dorsey cho biết ông cần thêm thông tin về ngữ cảnh trước khi có thể phản hồi chính xác.
CEO Google bị chất vấn về hành vi độc quyền
Như thường lệ, Sundar Pichai xuất hiện chỉn chu nhất trong số ba CEO. Nói lời mở đầu, ông kêu gọi các nhà lập pháp nên "suy nghĩ kỹ" về bất kỳ thay đổi nào đối với Điều 230 vì luật "bảo vệ quyền tự do tạo và chia sẻ nội dung". Ông nói: "Hãy để tôi nói rõ: Chúng tôi không thiên vị về mặt chính trị. Làm trái điều này sẽ đi ngược với lợi ích kinh doanh và sứ mệnh của chúng tôi".
Phiên điều trần lần này tập trung vào Điều 230, nhưng Google không thoát khỏi các câu hỏi về hành vi độc quyền. Tuần trước, Bộ Tư pháp kiện Google lợi dụng vị thế thống trị của mình để lôi kéo hoặc ép buộc các nhà sản xuất smartphone phải dùng Google Search làm công cụ tìm kiếm mặc định. Google gọi vụ kiện là "thiếu sót sâu sắc" và người tiêu dùng hoàn toàn có thể lựa chọn các dịch vụ khác.
Trong phiên điều trần, Pichai một lần nữa tuyên bố các dịch vụ của Google có lợi cho người dùng và họ không hề độc quyền vì cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong nhiều lĩnh vực.
Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar nhận xét cách phản hồi của Google là "xúc phạm", "thách thức" và kêu gọi thay đổi chính sách cạnh tranh của Mỹ.
CEO Facebook gặp sự cố
Trước khi phát biểu, Mark Zuckerberg gặp sự cố kỹ thuật khiến phiên điều trần phải dừng 5 phút. Nhân viên của Facebook cho biết CEO của họ đang ở một mình và tự xử lý vấn đề mà không có người hỗ trợ.
Zuckerberg khẳng định ông tán thành các biện pháp bảo vệ của Điều 230, nhưng thừa nhận Quốc hội nên cập nhật Điều luật đã ban hành từ năm 1996.
Trong phần chất vấn, Thượng nghị sĩ Klobuchar nhắc đến số tiền 2 tỷ USD mà Facebook kiếm được từ các quảng cáo chính trị kể từ năm 2018. Bà hỏi liệu những quảng cáo này có được con người xét duyệt trước hay không. Zuckerberg trả lời là không. Bà cáo buộc Facebook gây chia rẽ và trích dẫn các nghiên cứu nói các thuật toán của mạng xã hội này đang hướng mọi người tới những nội dung phân cực hơn.
Trong cuộc trao đổi với Thượng nghị sĩ Maria Cantwell, Zuckerberg cho biết công ty đã phá vỡ hơn 100 mạng lưới thông tin sai lệch đang cố can thiệp vào các cuộc bầu cử trên khắp thế giới. Ông cũng nói thêm rằng chính phủ Mỹ cần có trách nhiệm ngăn chặn các quốc gia như Nga can thiệp vào nền dân chủ của Mỹ.
Thành viên đảng Dân chủ tố đảng Cộng hoà 'bắt nạt' các CEO công nghệ
Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal khẳng định ông đã vận động việc cải cách Điều 230 suốt 15 năm. Tuy nhiên, theo ông, phiên điều trần đang bị các đồng nghiệp đảng Cộng hòa dùng để "bắt nạt các giám đốc điều hành công nghệ vì đã dán nhãn thông tin sai lệch từ tổng thống".
"Thành thật mà nói, tôi thấy kinh sợ khi các đồng nghiệp đảng Cộng hòa tổ chức buổi điều trần này chỉ vài ngày trước khi cuộc bầu cử diễn ra", Blumenthal nói.
Thượng nghị sĩ Brian Schatz cũng cho rằng CEO Google, Facebook và Twitter nên phản đối hành vi "vô đạo đức" của đảng Cộng hòa vì đã yêu cầu họ tham gia điều trần ngay trước ngày bầu cử 3/11.
"Những gì đang xảy ra ở đây là một sự ô nhục", Schatz nói. "Đó là một vết sẹo đối với Ủy ban và Thượng viện Mỹ. Những gì chúng ta đang thấy là các thượng nghị sĩ đang cố bắt nạt CEO của các công ty tư nhân". Ông không dùng thời gian của mình để đặt câu hỏi cho các CEO vì coi phiên điều trần là "sự giả tạo".
Thượng nghị sĩ Ed Markey phàn nàn phiên điều trần bị chính trị hóa. "Đảng Cộng hòa có thể và nên tham gia cùng chúng tôi giải quyết các vấn đề công nghệ lớn, thay vì mô tả câu chuyện sai lệch về thành kiến chống bảo thủ".
Gần tiếng trôi qua và các Thượng nghị sĩ vẫn chưa thực sự tập trung thảo luận về Điều 230 - nội dung chính của phiên điều trần.
Câu hỏi đầu tiên về Điều 230
Phiên điều trần được tổ chức nhằm thảo luận về những cập nhật, thay đổi cho Điều 230. Tuy nhiên, thay vào đó, nhiều thượng nghị sĩ lại chất vấn các CEO về việc gắn nhãn các tweet hay vụ kiện chống độc quyền.
Sau gần hai tiếng, Thượng nghị sĩ Deb Fischer của Nebraska cũng đặt câu hỏi trực tiếp đầu tiên về Điều 230.
"Những thay đổi nào nên được thực hiện đối với Điều 230 để giải quyết những mối quan tâm cụ thể liên quan tới việc kiểm duyệt nội dung mà ông đã nghe trong sáng nay?", bà hỏi.
Zuckerberg trả lời ông tin tưởng vào việc tăng cường tính minh bạch trong quá trình kiểm duyệt nội dung. Ông nhắc đến báo cáo minh bạch hàng quý của Facebook và nói rằng mọi công ty trong ngành công nghệ cũng nên làm điều đó.
Fischer hết thời gian trước khi hai CEO còn lại kịp trả lời.
Trump kêu gọi bãi bỏ Điều 230
Giữa phiên điều trần, Trump đăng thông điệp trên Twitter, nhấn mạnh về sự cần thiết phải bỏ Điều 230.
"Mỹ không có Tự do Báo chí, chúng ta có Đàn áp Câu chuyện, hay đơn giản là Tin giả. Hai tuần qua đã cho thấy Truyền thông của chúng ta đã mục nát như thế nào, và giờ là Công nghệ lớn, thậm chí có thể còn tồi tệ hơn. Cần bãi bỏ Điều 230", Trump nói.
3 tỷ USD cho kiểm duyệt nội dung
Thượng nghị sĩ Jerry Moran hỏi các công ty đã bỏ ra bao nhiêu tiền cho việc kiểm duyệt nội dung.
Zuckerberg nêu con số "3 tỷ USD trở lên" mỗi năm cho 35.000 kiểm duyệt viên - phần lớn không phải nhân viên chính thức. Pichai nói không rõ mức cụ thể nhưng có khả năng là hơn một tỷ USD. Dorsey không trả lời.
Theo Guardian, một tỷ USD mà Google chi cho việc kiểm duyệt nội dung là một phần rất nhỏ trong doanh thu 160 tỷ USD mỗi năm của hãng. Mức 3 tỷ USD của Facebook lớn hơn bởi doanh thu hàng năm của mạng xã hội này là 72 tỷ USD. Trong khi đó, Twitter là công ty nhỏ hơn nhiều so với Facebook hay Google, và tính đến 2019, họ có khoảng 1.000 người kiểm duyệt.
Các CEO cảnh báo về những nỗ lực can thiệp từ nước ngoài vào cuộc bầu cử
Mark Zuckerberg khẳng định Facebook đang chứng kiến một số hình thức thao túng và gây ảnh hưởng đến cử tri khi ngày bầu cử ở Mỹ đang đến gần, phần lớn có nguồn gốc từ Nga, Iran và Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth không đặt câu hỏi mà dành thời gian kêu gọi các CEO cam kết xóa bỏ thông tin sai lệch từ nước ngoài đang cố phá hoại nền dân chủ Mỹ
Pichai cho biết Google đang làm việc với các công ty và cơ quan tình báo để công bố các báo cáo minh bạch về sự can thiệp của nước ngoài vào các dịch vụ của hãng. Hồi tháng 6, Google tiết lộ một hoạt động lừa đảo từ Iran nhắm vào chiến dịch của Trump, cũng như một nỗ lực từ Trung Quốc nhắm vào chiến dịch của Biden.
Trong khi đó, Dorsey nói việc hạn chế các chiến dịch gây ảnh hưởng bắt nguồn từ Iran và Nga là "ưu tiên" đối với Twitter.
Các Thượng nghị sĩ phát âm sai tên của CEO Google
Sundar Pichai đang đảm nhiệm vai trò CEO Google được 5 năm và CEO Alphabet hơn một năm. Ông cũng điều trần trước Quốc hội Mỹ ba lần và từng gặp gỡ nhiều nghị sĩ trong các năm qua.
Dù đứng đầu một trong những công ty quyền lực và nổi tiếng nhất hành tinh, tên của ông vẫn bị phát âm thành "Pi-kay" hay "Pich-ay", trong đó có Thượng nghị sĩ Roger Wicker, Cory Gardner, Mike Lee và Marsha Blackburn.
Trong khi đó, tên của Jack Dorsey và Mark Zuckerberg được phát âm đúng, trừ một lần Thượng nghị sĩ Ron Johnson nói "Zuckerman" và nhanh chóng sửa lại.
Phiên điều trần kéo dài 3 tiếng 48 phút.