Luật sư Trịnh Văn Tuyến (Văn phòng Luật sư Giang Thanh, Hà Nội) cho hay, Thông tư 23/2023 của Bộ Giao thông Vận tải có hiệu lực từ 1/9 quy định 8 hành vi khiến nhân viên hàng không ngay lập tức bị tạm đình chỉ công việc:
a. Vi phạm các quy định, nội quy lao động gây sự cố, tai nạn, uy hiếp an toàn, an ninh hàng không.
b. Bị điều tra, khởi tố trong các vụ án hình sự.
c. Tự ý bỏ vị trí làm việc.
d. Uống rượu, bia trong giờ làm việc hoặc có nồng độ cồn trong máu, hơi thở trong khi thực hiện nhiệm vụ.
đ. Trộm cắp, chiếm đoạt trái phép tài sản của tổ chức, cá nhân.
e. Lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa.
g. Sử dụng hoặc có kết quả dương tính đối với các chất ma túy hoặc chất kích thích không được phép sử dụng khác theo quy định.
h. Đánh bạc, gây rối, làm mất an ninh, trật tự tại nơi làm việc.
Việc tạm đình chỉ ngay được người sử dụng lao động hoặc người được ủy quyền, thực hiện bằng lời nói tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.
Trong thời hạn 48 giờ kể từ khi tạm đình chỉ bằng lời nói, người sử dụng lao động hoặc người được ủy quyền phải ban hành quyết định tạm đình chỉ, trong đó xác định rõ thời hạn tạm đình chỉ, thông tư nêu.
Thời hạn tạm đình chỉ được tính kể từ thời điểm thực hiện bằng lời nói, không quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, nhân viên hàng không vẫn được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc. Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận nhân viên này lại làm việc (theo khoản 2, điều 128, Bộ Luật Lao động).
Theo luật sư, so với thông tư 10 năm trước, quy định mới giữ nguyên 8 hành vi song nới lỏng quy định về việc bố trí lại công việc cho những nhân viên này, sau khi bị kỷ luật, hoặc kết án hình sự.
Cụ thể, thông tư năm 2013 quy định, nhân viên hàng không phạm vào các hành vi a, đ, e, g hoặc bị kết án trong các vụ án hình sự sẽ không được làm việc tại vị trí nhân viên hàng không ở bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Song thông tư mới chỉ giới hạn trong vòng 5 năm. Do đó, sau 5 năm kể từ ngày có quyết định kỷ luật lao động hoặc sau 5 năm kể từ khi được xóa án tích trong vụ án hình sự, nhân viên hàng không vẫn có thể được bố trí làm việc tại các chức danh nhân viên hàng không.
Nhân viên hàng không là những ai?
Theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, nhân viên hàng không là những người hoạt động liên quan trực tiếp đến bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không, khai thác tàu bay, vận chuyển hàng không, hoạt động bay và có giấy phép, chứng chỉ chuyên môn phù hợp do Bộ Giao thông Vận tải cấp hoặc công nhận.
Như vậy, tuy cùng làm việc trong một đơn vị của ngành hàng không Việt Nam, nhưng chỉ có những người hội đủ các yếu tố trên, mới được coi là "nhân viên hàng không", còn lại các nhân viên khác được gọi chung là "nhân viên ngành hàng không", luật sư Tuyến cho biết.
Theo Thông tư 61/2011/TT-BGTVT, nhân viên hàng không gồm 14 chức danh:
a) Thành viên tổ lái.
b) Giáo viên huấn luyện bay.
c) Tiếp viên hàng không.
d) Nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay.
đ) Nhân viên không lưu (gồm 9 vị trí: nhân viên thủ tục bay; nhân viên thông báo, hiệp đồng bay; kiểm soát viên mặt đất tại sân bay; kiểm soát viên không lưu tại sân bay; kiểm soát viên không lưu tiếp cận ra đa, không ra đa; kiểm soát viên không lưu đường dài ra đa, không ra đa; kíp trưởng không lưu; huấn luyện viên không lưu; nhân viên đánh tín hiệu).
e) Nhân viên thông báo tin tức hàng không.
g) Nhân viên thông tin, dẫn đường, giám sát hàng không.
h) Nhân viên khí tượng hàng không.
i) Nhân viên điều độ, khai thác bay.
k) Nhân viên thiết kế phương thức bay hàng không dân dụng.
l) Nhân viên tìm kiếm, cứu nạn hàng không.
m) Nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay.
n) Nhân viên an ninh hàng không.
o) Nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay.
Hải Thư