Đây là một trong những điểm mới quy định tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, vừa được Bộ Tài chính công bố và lấy ý kiến.
Dự thảo Nghị định lần này yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải cấp thẻ nhân viên cho người lao động. Trên thẻ phải có ảnh, ghi rõ họ tên, chức vụ của người được giao nhiệm vụ và có dấu của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phải cấp trang phục cho nhân viên với mẫu thiết kế nhất định và thông báo với cơ quan công an có thẩm quyền, chính quyền địa phương về việc sử dụng trang phục này. Trong trường hợp kết thúc hợp đồng lao động với người lao động, doanh nghiệp phải thu hồi lại trang phục, thẻ nhân viên đã cấp.
Dự thảo Nghị định cũng đưa ra yêu cầu bắt buộc đối với nhân viên doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi thực hiện các hoạt động đòi nợ phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và có giấy giới thiệu.
Doanh nghiệp đòi nợ thuê cũng phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế; thực hiện chế độ kế toán, thống kê, kiểm toán, báo cáo theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp.
Theo dự thảo tờ trình của Bộ Tài chính lên Chính phủ về nghị định này, do tính chất nhạy cảm của hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nên trên thực tế, hoạt động của các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ vẫn còn nhiều hạn chế. Cơ quan này dẫn dụ, trường hợp Công ty Tai Ga hay Công ty Công Lý (TP HCM) đòi nợ có hành vi “khủng bố”, có hành vi câu kết với các đối tượng xã hội đen để bắt cóc, tống tiền để đòi nợ…
Hiện Việt Nam chưa có một thống kê chính thức về các khoản vay tín dụng đen, song theo ước tính được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố năm 2013, quy mô tín dụng đen khoảng 50 tỷ USD, chiếm 30% tổng tín dụng nền kinh tế.