Ngày 12/1, Cục phó Hàng không Đào Văn Chương đã dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra quy trình vận chuyển hàng hóa, hành lý ký gửi của hành khách tại hai sân bay lớn là Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Làm việc với các đơn vị liên quan ở Nội Bài, vị Cục phó yêu cầu các công ty vận chuyển dịch vụ báo cáo về thực trạng mất đồ của hành khách.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó giám đốc phụ trách an ninh Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, các vụ mất cắp xảy ra trong khu vực hạn chế, không có người nào bên ngoài, mà chỉ có lực lượng trực tiếp tham gia vào các dây chuyền vận chuyển trong khu vực này.
Đại diện Công ty cổ phần dịch vụ vận chuyển hàng hóa Nội Bài (NCTS), khẳng định, quy trình kiểm tra, kiểm soát của Công ty hết sức chặt chẽ, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, hàng trăm camera với một trung tâm điều hành hoạt động liên tục đảm bảo không để xảy ra bất kỳ sơ hở nào.
"Thậm chí, quần áo của nhân viên làm việc trong kho hàng cũng không được may túi, điện thoại không được dùng và tất cả người, phương tiện chỉ đi qua một cửa kiểm soát duy nhất", vị đại diện khẳng định.
Đại diện hãng hàng không Jetstar cho biết, hành lý mất cắp rất nhiều, "cứ có laptop, điện thoại để trong kiện hành lý là mất ngay. Đây là hiện tượng đáng báo động". Phía Vietnam Airlines cũng đang phải đối mặt với tình trạng tương tự. Tại nhà ga T1, đã có trường hợp hành khách của Vietnam Airlines vô tình phát hiện bị móc đồ khi đứng chờ lấy hành lý. |
Không đồng ý với cách lý giải này, Cục phó Hàng không cho rằng, nếu như kiểm tra, kiểm soát thực sự tốt như thế thì tại sao các vụ trộm cắp hàng hóa, hành lý vẫn xảy ra. "Rõ ràng còn các vùng, khu vực, các góc khuất mà những kẻ gian có thể tranh thủ thực hiện hành vi trộm cắp", ông Chương nói.
Lãnh đạo Cục hàng không nhấn mạnh, đây là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành Hàng không nên các đơn vị phải thống kê thực tế để từ đó phân tích, đánh giá xem xét mức độ phức tạp, tính chất các vụ việc, xảy ra ở công đoạn nào, thời gian nào... từ đó có biện pháp phù hợp nhất ngăn chặn tình trạng này tái diễn.
Trước đó, chiều 11/1, Công an quận Cầu Giấy bắt quả tang Trần Hữu Đức (22 tuổi, quê Đô Lương, Nghệ An) đang tiêu thụ 16 chiếc điện thoại di động Samsung mới tại một cửa hàng điện thoại. Qua điều tra, Đức khai nhận là nhân viên bốc xếp của Công ty Cổ phần dịch vụ vận chuyển hàng hóa Nội Bài (NCTS) và số điện thoại trên được moi trộm từ một kiện hàng ở sân bay Nội Bài.
Năm 2014, cũng tại sân bay Nội Bài, 2 nhân viên của Công ty NCTS bị bắt quả tang khi dùng dao rạch một kiện hàng để moi thẻ điện thoại di động của một công ty gửi qua đường hàng không. Hai nhân viên này đã moi được 1.000 thẻ điện thoại để chia nhau đem bán.
Theo báo cáo của Cảng vụ Hàng không, năm 2013, 2014 có 12 vụ mất trộm hàng hoá trong hành lý. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm 2014, nhiều hành khách phản ánh với VnExpress về tình trạng bị mất đồ ở sân bay Nội Bài. Những hành khách này tỏ ra bức xúc vì không chỉ bị mất tài sản có giá trị lớn mà còn bị rạch rách valy, dù đã chằng, quấn nhiều lớp nilon hoặc băng dính bên ngoài.
Một nam hành khách giấu tên, từ Nhật Bản về sân bay Nội Bài mới đây phản ánh mất 3 chiếc điện thoại di động. Valy của anh bị rạch rách một góc rộng vừa đủ bàn tay.
Cùng cảnh ngộ với nam hành khách này, một số nữ hành khách cũng phản ánh bị rạch valy tại sân bay Nội Bài, mất điện thoại, iPad, mỹ phẩm và đồ dùng cá nhân.
Nhiều du học sinh ở Nhật Bản thậm chí lập thành một hội trên Facebook để chia sẻ kinh nghiệm đề phòng bị trộm đồ. "Mọi người có về nước nên đóng hành lý cẩn thận, cần quấn nhiều lần băng dính ở ngoài rồi cho vào thùng, bên trong valy thì nên để nhiều quần áo ở bên ngoài, bọc những đồ đắt tiền ở giữa, như vậy có bị rạch va ly nhưng cũng rất khó để lấy được đồ", một thành viên diễn đàn khuyên.
Bá Đô