Cuối tháng 6, 250 quả trứng rùa biển Côn Đảo đã vượt quãng đường hơn 1.000 km về đến Bãi Bấc (Cù Lao Chàm, TP Hội An, Quảng Nam) để ấp nở. Đây là chuyến vận chuyển trứng rùa thứ năm từ Côn Đảo về TP Hội An trong đề tài "Phục hồi và bảo vệ rùa biển tại Cù Lao Chàm".
Ở Bãi Bấc, lò ấp trứng rùa đặt trên một cồn cát rộng chừng 20 m2, được đắp cao gần một mét, nằm sát bìa rừng. Trứng được vùi xuống 10 hố cát, sâu 50 cm, rộng khoảng 30 cm, mỗi hố 10-40 quả. Phía trên hố có rổ nhựa che đậy cẩn thận, có máy đo nhiệt độ cắm xung quanh để theo dõi.
"Chiếc máy này sẽ thông báo nhiệt độ đến máy tính, phải luôn giữ 25-31 độ C", ông Nguyễn Văn Vũ, Phó giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, giải thích. Nếu nhiệt độ cao hơn, những người "canh trứng" sẽ dùng tấm lưới che phía trên, khi nhiệt độ xuống thấp thì tháo lưới ra.
Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm dựng căn lều tạm bên cạnh bãi ấp trứng để 14 người của Ban quản lý ăn ngủ, thay nhau canh giữ 24/24h. Mỗi ca trực có hai người, thời gian làm việc kéo dài 12 giờ.
Chiều tối 9/7, anh Huỳnh Tấn Lực và Mai Xuân Đức đến thay ca trực. Lều ngay sát biển, nhưng khuất núi, gió không tới nơi nên không khí rất ngột ngạt. Đêm xuống, muỗi bu dày đặc, nhưng hai anh không dám phân tâm, mắt không rời ổ trứng, có tiếng động là lập tức rọi đèn pin kiểm tra.
"Công việc bảo vệ trứng rùa không mấy nặng nhọc nhưng phải thức trắng đêm. Nếu một phút lơ là, toàn bộ số trứng có thể bị kỳ đà đến xới tung hay rắn độc rình rập ăn trứng, hoặc kẻ gian vào đào trộm", anh Lực nói.
Đến 12h đêm, chiếu đèn vào ổ trứng, phát hiện một chú rùa con ngập ngừng chui lên khỏi mặt cát, anh Lực lập tức gọi điện thông báo cho lãnh đạo Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và được hướng dẫn để rùa nằm yên trong khu ấp nở. Hai nhân viên theo dõi tiếp cho đến sáng thì có thêm hai rùa con ra đời.
"Khoảnh khắc rùa con nở và chui ra khỏi vỏ trứng rất dễ nhận thấy. Hố cát sụp xuống, sau đó chúng chui lên toàn thân nằm trong cát, mũi thò ra phía ngoài để thở và nghe ngóng bên ngoài theo bản năng. Khi thủy triều lên, cả đàn rùa con bắt đầu vung mình bơi ra biển", anh Lực kể.
Gần 5h ngày 10/7, ông Nguyễn Văn Vũ, chủ nhiệm đề tài "Phục hồi và bảo vệ rùa biển tại Cù Lao Chàm" mang theo máy móc, sổ sách đến ghi chép. Ông bắt từng con rùa đưa lên cân, đo chiều dài nhằm phục vụ công tác nghiên cứu.
Sau 20 phút, ba con rùa được cho vào rổ nhựa, đưa ra bờ biển cách mép nước khoảng 5 m để thả. Chúng lần lượt bò trên cát, vươn ra đại dương bơi rất nhanh rồi biến mất trong làn nước trong xanh.
Ông Vũ cho biết, số trứng rùa được ấp ở Côn Đảo 40 ngày, khi đưa về Cù Lao Chàm khoảng 18 ngày thì nở. Ba con rùa nở trước báo hiệu số trứng còn lại sẽ nở ra trong vài ngày tới.
Đúng như dự báo, ngày 10/7 có 32 con rùa nở và đến hai ngày sau hơn 90% số trứng đã nở ở biển Cù Lao Chàm. Chứng kiến quá trình rùa con chui lên mặt cát, hối hả bò ra biển, hàng trăm người dân địa phương vui mừng hò reo.
"Hơn 20 năm rồi tôi mới được chứng kiến lại cảnh rùa nở trên bãi cát bơi ra đại dương. Hy vọng trong tương lai, tôi được chứng kiến những con rùa mẹ bò lên bãi cát đẻ trứng", ông Nguyễn Thống, cư dân xã đảo Tân Hiệp nói.
>>Hành trình 3 năm Cù Lao Chàm 'xin' 2.000 trứng rùa biển từ Côn Đảo
Rùa biển thuộc nhóm bò sát, giống như các loài rùa nước ngọt, ba ba, cá sấu, rắn... Chúng xuất hiện trên trái đất cách đây khoảng 200 triệu năm, trước khi các loài khủng long ra đời. Sau đó khủng long bị tuyệt chủng còn rùa biển nhờ vào sự thích ứng với môi trường đại dương nên tồn tại.
Ở Việt Nam có năm loài rùa biển, gồm: vích, quản đồng, đồi mồi dứa, đồi mồi và rùa da. Trong đó, vích là loài có số lượng cá thể nhiều nhất tập trung ở các tỉnh ven biển.
Rùa biển đang bị suy giảm nghiêm trọng về số lượng cá thể cả trên thế giới và Việt Nam. Chúng thuộc nhóm nguy cấp trong danh sách loài bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm mọi hành vi mua bán, vận chuyển.