Khoảng 1.500 rùa con được ấp nở ở Cù Lao Chàm (TP Hội An, Quảng Nam) rồi thả bơi ra đại dương trong ba năm qua. Số trứng rùa lấy từ Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), chuyển hơn 1.000 km về miền Trung.
Trong ký ức của ông Võ Nghiêm (70 tuổi, thôn Bãi Làng, TP Hội An), từ xa xưa vào các tháng 4-7 âm lịch, rùa thường tìm đến bãi Bấc, bãi Bìm... trên đảo Cù Lao Chàm làm tổ đẻ trứng. Chúng bới cát sâu hơn nửa mét, đẻ xong dùng chân lấp lại trước khi quay về biển. rùa biển thường vào ấp đẻ ở Cù Lao Chàm.
Đến những năm 2000, đảo Cù Lao Chàm trở thành điểm du lịch nhộn nhịp, trung bình mỗi ngày đón hàng nghìn lượt khách. Nhà dân và các công trình phục vụ du khách được xây dựng gần bãi biển, trở thành công trường với những tiếng động lớn suốt ngày đêm khiến rùa không dám lên bãi cát đẻ trứng.
"Rùa rất sợ ánh sáng và tiếng động mạnh nên thường chọn bãi cát vắng, sạch sẽ để đẻ trứng. Tôi còn nhớ chúng luôn dò xét tình hình trước, rồi đợi lúc thủy triều cao, đêm khuya yên tĩnh mới bò lên", ông Nghiêm nói.
Ngoài ra, những năm gần đây các loại lưới, ngư cụ thế hệ mới được người dân sử dụng đã nhiều lần khiến rùa mắc kẹt, chết trong lưới. Tất cả yếu tố trên khiến rùa biển không còn vào Cù Lao Chàm đẻ trứng nữa. Người dân đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương có phương án phục hồi môi trường, tạo điều kiện cho rùa vào sinh nở trở lại.
Từ ý nguyện của người dân xã đảo Tân Hiệp, năm 2015 Ban quản lý bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã họp với các bên liên quan để tham khảo ý kiến phục hồi môi trường sinh nở của rùa biển; kết quả 97% người dân đồng thuận kiến nghị chính quyền tìm giải pháp để "rùa quay về" Cù Lao Chàm - nơi được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới từ năm 2009.
Năm 2016, ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng nghiên cứu và hợp tác quốc tế (nay là Phó giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) đã thực hiện đề tài khoa học "Phục hồi và bảo vệ rùa biển tại Cù Lao Chàm" và được cấp có thầm quyền đồng ý cho triển khai.
Đề tài này có hai hoạt động chính là "bảo tồn nguyên vị" - giữ hệ sinh thái rặng san hô, cỏ biển và "bảo tồn chuyển vị" - đưa trứng rùa từ Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) về Cù Lao Chàm ấp nở nhằm tạo nguồn giống.
Theo ông Vũ, Côn Đảo là nơi rùa biển đến làm tổ đẻ trứng nhiều nhất Việt Nam, trung bình mỗi năm khoảng 350 đến 450 rùa mẹ sinh nở tại đây và số lượng trứng nở là 50.000 rùa con. Từ năm 1995 đến nay, tại Côn Đảo đã có hơn 300.000 rùa con được thả về biển và gần 1.000 con rùa trưởng thành được gắn thẻ chip (để theo dõi hành trình trên biển).
"Rùa biển có khả năng ghi nhớ nơi chúng đã ra đời và quay lại sinh đẻ sau nhiều năm. Chúng tôi dựa vào tập tính này để ấp nở rùa biển trên Cù Lao Chàm, hy vọng trong 20 năm tới những con rùa trưởng thành sẽ quay về Cù Lao Chàm đẻ trứng", ông Vũ nói.
Ban đầu khi ông Vũ trình bày ý tưởng, có ý kiến phản biện, cho rằng trứng rùa chỉ có thể vận chuyển trong sáu giờ, tính từ khi mẹ đẻ ra. Trong khoảng thời gian này, phôi trứng dừng hoạt động, nếu bị rung lắc thì không hỏng phôi. Tuy nhiên, quá sáu giờ từ khi mẹ đẻ ra, phôi hoạt động trở lại, nếu vận chuyển đường xa trứng bị rung lắc sẽ dẫn đến hỏng phôi, ấp nở không thành công.
Tuy nhiên, ông Lê Xuân Ái - nguyên Giám đốc vườn quốc gia Côn Đảo (tư vấn kỹ thuật cho đề tài của ông Vũ) thông tin, trong thực tế có việc rùa vào đẻ tại một số bãi cát bị thủy triều gây ngập, sạt lở, sau đó cơ quan quản lý chuyển trứng lên nơi cao hơn vẫn ấp nở thành công. "Có nhiều tổ đã ấp hàng chục ngày nhưng khi chuyển đến bãi cát khác cũng ở Côn Đảo thì tỷ lệ nở đạt cao", ông Ái nói.
Để thực hiện kế hoạch chuyển trứng rùa từ Côn Đảo đến Cù Lao Chàm, ông Vũ và cộng sự phải mất bốn tháng làm thủ tục, khai báo hàng loạt hồ sơ xin giấy phép từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu. "Đây là việc chưa có tiền lệ ở Việt Nam, mỗi cơ quan hiểu một cách khác nhau nên quá trình thực hiện gặp rất nhiều vướng mắc", ông Vũ chia sẻ.
Cuối cùng Ban quản lý bảo tồn biển Cù Lao Chàm được chấp thuận cho vận chuyển 2.000 trứng rùa 40 ngày tuổi từ Côn Đảo đến Cù Lao Chàm. Kế hoạch lấy trứng thực hiện trong ba năm, mỗi năm lấy hai đợt, trong đó năm 2017 sẽ lấy 1.000 trứng; năm 2018 lấy 500 trứng và năm 2019 là 500 trứng.
Tháng 7/2017, gần 500 trứng rùa được lấy từ Côn Đảo cho vào thùng xốp, bên trong có các lớp cát cố định để trứng không bị xê dịch; nắp thùng đục lỗ lưu thông khí. Quá trình vận chuyển thùng xốp luôn được giữ từ 28 đến 31 độ C và hạn chế rung lắc.
Một nửa trong số 500 quả trứng được vận chuyển bằng đường bộ, số còn lại đi đường hàng không. Số trứng chở bằng ôtô thuận lợi, tuy nhiên đi máy bay thì gặp vấn đề là trứng có thể bị hư hỏng vì ảnh hưởng máy soi chiếu ở cửa kiểm tra an ninh. Lúc này, đoàn vận chuyển phải nhờ nhiều nơi can thiệp để an ninh sân bay đồng ý kiểm tra bằng phương pháp thủ công.
Đến Cù Lao Chàm, trứng rùa được đưa đến bãi Bấc và cho xuống cát ấp ngay. Sau 18 ngày, hàng loạt rùa con chui từ cát lên, bò ra biển trước sự vui mừng của cán bộ, nhân viên Ban quản lý bảo tồn biển Cù Lao Chàm và hàng trăm người dân địa phương.
"Đợt một tỷ lệ nở đạt trên 90%, với kết quả này tôi quá bất ngờ, vì khi viết đề tài chỉ mong muốn nở đạt 14% là mãn nguyện. Thành công trong ấp nở trứng rùa đợt đầu tiên đã tạo động lực để chúng tôi thực hiện các đợt bảo tồn chuyển vị trứng rùa tiếp theo", ông Vũ nói.
Ở Việt Nam có năm loài rùa biển phân bố, gồm vích, quản đồng, đồi mồi dứa, đồi mồi và rùa da. Trong đó, vích là loài có số lượng cá thể nhiều nhất tập trung ở các tỉnh ven biển.
Rùa biển đang bị suy giảm nghiêm trọng về số lượng cá thể cả ở trên thế giới và Việt Nam. Chúng thuộc nhóm nguy cấp trong danh sách loài bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm mọi hành vi mua bán, vận chuyển.