TP HCM độ này đang là mùa mưa, với những trận nước trút biến phố thành sông. Tô (31 tuổi, quê An Khê, Gia Lai) đã sống 10 năm ở thành phố này, chứng kiến biết bao lần hệ thống thoát nước "vỡ trận", nhưng năm nay thì không. Những gì anh thấy chỉ là trên mặt báo, tivi. Gần 4 tháng qua, bản đồ di chuyển của anh chỉ là từ nhà bếp lên phòng khách, vào phòng ngủ.
Mọi người biết đến Tô bằng cái tên Mr. Tô, một người bán ôtô thân thiện và có thói quen ăn chay trường. Làm việc ở một đại lý Toyota tại quận 7, thẻ đeo của anh mang tên Tô Yô Ta, thứ khiến ai lần đầu gặp cũng tò mò. Nhưng đó không phải là biệt danh. Đó chính là tên khai sinh của anh - họ Tô, đệm Yô, tên Ta - in ngay ngắn trên thẻ căn cước công dân.
Bán hàng kiêm vị trí trưởng phòng đào tạo nhân viên kinh doanh, anh nói trong 7 năm làm trong ngành này, chưa lần nào thấy khó khăn như bây giờ. "Ở nhà 15 ngày, rồi đến 15 ngày, rồi lại thêm 30 ngày nữa vẫn chưa thể đi làm trở lại", Tô cười nói.
Dịch Covid-19 ở TP HCM bắt đầu từ cuối tháng 4 và dai dẳng cho đến nay. Anh và nhiều người khác của đại lý không bán được chiếc nào 2 tháng qua khi thành phố siết giãn cách. Trường hợp chốt được cọc cũng không thể giao xe vì thành phố tạm dừng nhiều hoạt động. "Tiền tích lũy là cách duy nhất để chúng tôi duy trì cuộc sống và chờ qua dịch", anh nói.
Tuy ăn lương quản lý, nhưng Tô vẫn cảm thấy chật vật vì vợ chồng anh vừa đón thêm em bé thứ hai hồi giữa tháng 4, vợ lại nghỉ thai sản không có thu nhập, món nợ trả góp căn chung cư ở huyện Bình Chánh vẫn phải trả từng tháng.
Nhưng lo thân mình là chưa đủ với vai trò một quản lý. Tô phải làm thêm việc tư vấn tâm lý, nghề nghiệp cho nhân viên mới vào nghề. "Họ stress vì không bán được xe thường xuyên nhắn tin trò chuyện để tìm nguồn động viên từ một người có kinh nghiệm", Tô kể.
Mức thu nhập của sales ôtô vốn đã giảm 2-3 năm nay, dịch Covid-19 càng khiến nhóm này thêm khó khăn. Tô cho biết với nhân viên, đại lý của anh cắt giảm 50% lương cứng trong những tháng giãn cách xã hội, vì vậy thực tế thu nhập của họ chỉ còn 2,5 triệu/tháng.
Nhưng lương có thấp cũng vẫn phải bỏ tiền duy trì các chi phí quảng cáo, việc không thể thiếu của nghề bán hàng. Tô tiết lộ, chi phí quảng cáo chiếm khoảng 30-40% thu nhập từ nghề bán xe, những lúc thị trường trầm lắng có thể tới 50% hoặc hơn. Tức là, nếu một nhân viên thu nhập 20 triệu, thì thực tế họ chỉ kiếm được trên dưới 10 triệu.
Quần là áo lượt, hình ảnh bóng bẩy trên các kênh quảng cáo của Google Ads hay Facebook là thế, nhưng thực tế, nhân viên sales ôtô lại cháy túi trong đại dịch. Không chỉ vì giãn cách mà ảnh hưởng của dịch bệnh khiến người dân giảm thu nhập, siết chặt chi tiêu cũng khiến ngành ôtô trở nên đìu hiu. Nhưng nếu còn theo nghề, còn phải quảng cáo.
Minh Đạt, 25 tuổi, nhân viên bán hàng tại một đại lý Peugeot ở Hà Nội đang sử dụng tiền lương một tháng theo đúng công thức 50% cho quảng cáo, trong những ngày thủ đô giãn cách. Hai tháng nay, Đạt nhận 4,7 triệu/tháng, nhưng phải bỏ tới 1,5-2 triệu đồng duy trì quảng cáo.
May mắn, kết quả nhận về là một khách hàng tại Thái Nguyên, nơi không có đại lý Peugeot, vừa đủ cho yêu cầu của công ty là ít nhất 1 hợp đồng ký chờ, hoặc 5 khách hàng "hot" (được định nghĩa là khách quan tâm tới xe, có tên tuổi, địa chỉ cụ thể). Nhưng đây chỉ là chỉ tiêu để anh duy trì công việc, chứ không phải thứ có thể khiến thu nhập của Đạt "ấm" như thời chưa có dịch.
Chi nhiều tiền chạy quảng cáo, số còn lại khoảng hơn 3 triệu đồng, chàng trai 25 tuổi, kinh nghiệm bán xe 3 năm phải chắt chiu để duy trì sinh hoạt, trong đó đã mất tới 1,8 triệu tiền thuê nhà. Để có tiền trang trải, Đạt bán cam, bưởi online cho các gia đình trong chung cư nơi anh đang ở ghép 3 người, nguồn hàng từ quê Hoà Bình gửi xuống.
Minh Đạt còn độc thân, vì thế gánh nặng cũng không nhiều như Ngọc Bắc, nhân viên kinh doanh của một đại lý Ford tại Hà Nội. Bắc nghỉ dịch ngồi nhà buồn chán, đành phụ vợ bán thực phẩm. Nhưng cửa hàng cũng là nhà của Bắc lại trong khu phong toả, mọi thứ trở nên khó khăn. Hai tháng giãn cách, cả đại lý nơi Bắc làm việc bán được 3 xe, trong khi có khoảng gần 30 nhân viên kinh doanh. Bắc không kiếm được hợp đồng nào, nhận 1,5 triệu thu nhập hỗ trợ. Anh rơi vào nhóm "báo động đỏ", chỉ tiêu phải tăng hợp đồng khi hết giãn cách để bù.
Nếu Tô, Đạt, Bắc đều là những người đã có kinh nghiệm nhiều năm bán hàng, hiểu được những áp lực của nghề thì với Hải Yến là cả tá những bỡ ngỡ của cô gái 24 tuổi, vừa trở thành nhân viên bán xe từ tháng 5 tại một đại lý ở Nha Trang.
Đang "yên ổn" với công việc phụ giúp chị gái bán hải sản, cô gái tốt nghiệp Đại học Nha Trang muốn mình phải phát triển bản thân, phải "ra ngoài" để mở rộng quan hệ, nhanh nhạy hơn, tìm hoài bão, ước mơ, dù chị gái can ngăn nhiều. Vừa thử việc được vài tháng, còn chưa kịp quen nghề thì Covid-19 ập tới từ tháng 7.
"Đầu em toàn nghĩ đến chuyện gặp khách, tư vấn, đàm phán thế nào, riết em stress vì ở nhà gần 2 tháng", Yến chia sẻ.
Tháng 7, cô bán được 2 xe, sang tháng 8 chỉ còn một khách nhưng mới chỉ là đặt cọc. Thu nhập nhận được là lương cứng, trừ đi các loại chi phí quảng cáo, chăm sóc khách hàng chỉ còn khoản rất nhỏ, chẳng đáng là bao so với công việc bán hải sản online trước đó.
Không dám kể lể với chị gái, Yến tìm tới lời khuyên của một đồng nghiệp ít tuổi hơn nhưng nhanh nhẹn, bán xe một năm đã trở thành nhân viên xuất sắc. Cô phần nào tìm được lời khuyên hữu ích, vì dù gì mọi thứ với Yến cũng mới chỉ là bắt đầu.
Đường phố Nha Trang những ngày nửa cuối tháng 9 bắt đầu đông xe hơn khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng. Yến đã đi làm lại ở showroom hơn một tuần qua nhưng chủ yếu ngồi ở văn phòng vì hiếm có khách nào đến tham khảo, mua xe. Nhìn cảnh vắng lặng của showroom bày xe mới, Yến nghĩ không biết bao giờ mới đến ngày xưa.
Còn với những người có kinh nghiệm như Tô, Đạt, Bắc, họ vẫn tin tưởng dịp cuối năm thị trường sẽ "ấm" lên. Tô lạc quan hơn cả. Ngày thường, anh chỉ dành nhiều thời gian bên cô con gái 4 tuổi sau buổi cơm tối, còn bây giờ thì cả ngày. Chiều chiều hai bố con lại tập thể dục cùng nhau, nô đùa rộn rã.
"Dịch bệnh khiến mọi thứ khó khăn, nhưng quan trọng hơn cả là biết mình và gia đình vẫn khỏe mạnh".
"Còn người là còn của", Tô nói.
Đoàn Dũng - Thành Nhạn