Theo giới chuyên gia, nhiễm khuẩn hô hấp cấp là căn bệnh phổ biến và đặc biệt nguy hiểm. Hàng năm, khoảng 4,3 triệu trẻ em chết vì nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Các bệnh lý gồm viêm hô hấp trên: viêm họng, mũi xoang, tai giữa (viêm tai mũi họng gây ho đàm); viêm hô hấp dưới: phế quản cấp, đợt cấp bệnh phổi mạn, viêm phổi cấp (viêm hô hấp gây ho đàm).

Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh lý viêm đường hô hấp là nhiễm trùng (vi khuẩn, virus). Ngoài ra, một số tác nhân từ ngoài môi trường như vật lý (tia bức xạ, nhiệt độ môi trường nóng hoặc lạnh quá mức), hóa học (hơi hóa chất gây phỏng đường thở), sinh học (phấn hoa, mạt nhà), lông chó mèo và từ trong cơ thể do cơ địa dị ứng.
Đặc biệt, ho đàm không chỉ là triệu chứng của các bệnh lý hô hấp mà còn là một triệu chứng không thể xem nhẹ khi trẻ em hoặc người lớn mắc bệnh lý tai mũi họng. Những cơn ho đàm không dứt khiến bệnh nhân mệt mỏi, giảm vận động và biếng ăn, khó thở. Thậm chí nó dẫn đến tử vong ở trẻ em nếu đàm tích tụ quá nhiều gây nghẽn đường thở.
Tại chuỗi hội thảo khoa học “Vai trò của acetylcystein trong điều trị bệnh lý tai mũi họng” vừa qua tại Hà Nội và TP HCM do Hội Tại Mũi Họng TP HCM kết hợp với công ty Sanofi tổ chức, hơn 1.200 bác sĩ chuyên khoa - dược sĩ đã được các bác sĩ đầu ngành cập nhật nhiều kiến thức mới, kinh nghiệm điều trị chuyên sâu trên lâm sàng, phân loại và ứng dụng thuốc long đàm - tiêu nhầy cùng các bằng chứng lâm sàng chứng minh hiệu quả của hoạt chất acetylcystein trong điều trị các bệnh lý có triệu chứng ho đàm. Chuỗi hội thảo sẽ còn tiếp cận đến hơn 1400 bác sĩ, dược sĩ tại các tỉnh thành khác trong tháng 5 và tháng 6/2016.
Acetylcystein (N - acetylcystein) là dẫn chất N - acetyl của L - cystein, một amino - acid tự nhiên có vai trò tích cực trong việc tiêu nhầy, khi bệnh nhân ho có đàm do nhiễm virus và nhiều nguyên nhân khác. Ngoài ra, nó còn hiệu quả trong điều trị hỗ trợ các bệnh lý viêm trong tai mũi họng như: viêm họng, amiđan, mũi xoang, tai giữa...
Các bác sĩ cũng lưu ý cần xác định mức độ nặng hay nhẹ, nguyên nhân gây ho rồi tiến hành các bước điều trị. Môi trường lành mạnh, năng vận động và tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là tăng cường chất lượng chăm sóc y tế, điều trị bệnh sớm và kịp thời theo hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa thì bệnh nhân sẽ có sức khỏe tốt, phòng tránh được nguy cơ bệnh nặng hoặc bệnh nguy hiểm.
Mai Thương