Jordi Mir cho biết ông đăng đoạn video lên với nỗi sợ hãi và bằng "một phản xạ ngu ngốc" hình thành trong nhiều năm sử dụng mạng xã hội. "Tôi hoàn toàn hoảng loạn", AP dẫn lời ông nói trong một cuộc phỏng vấn diễn ra trên đại lộ Paris, nơi viên cảnh sát hôm 7/1 bị những tên khủng bố tấn công tòa soạn tạp chí biếm họa Charlie Hebdo bắn chết.
Đoạn video ngắn lập tức lan truyền với tốc độ chóng mặt, là hình ảnh thể hiện rõ nét nhất mức độ tàn bạo của những hành vi khủng bố diễn ra trong ba ngày trên đất Pháp.
"Tôi cần phải chia sẻ với ai đó", Mir cho hay. "Tôi đang ở một mình trong căn hộ. Tôi đăng đoạn video lên trang Facebook. Đó thật sự là lỗi của tôi", ông nói thêm.
Mir giữ đoạn video trên trang cá nhân của mình trong khoảng 15 phút trước khi suy nghĩ lại và hiểu ra rằng tốt nhất là nên gỡ nó xuống. Nhưng mọi chuyện đã trở nên quá muộn.
Đoạn băng được chia sẻ lại trên nhiều trang mạng khác nhau. Một số người còn tải nó lên Youtube. Chưa đầy một tiếng sau khi Mir xóa đoạn video khỏi Facebook cá nhân, ông thấy nó xuất hiện trên sóng truyền hình.
Đoạn video dài 42 giây ghi lại cảnh tượng hai kẻ bịt mặt, anh em Cherif và Said Kouachi, giết hại nhân viên cảnh sát Ahmed Merabet một cách rất bình thản và chuyên nghiệp. "Mày muốn giết chúng tao ư?", một trong hai tay súng hỏi khi bước đến gần viên sĩ quan bị thương nằm trên mặt đất. "Không, mọi chuyện đều ổn", Merabet giơ hai tay lên, đáp bằng một giọng khẩn khoản, dường như mong được tha mạng. Tuy nhiên, chúng vẫn giết chết anh bằng một phát súng vào đầu.
Đoạn băng tạo nên làn sóng giận dữ trên khắp thế giới. Báo chí Anh miêu tả nó như một đoạn video "gây sốc" và " kinh tởm". Nhật báo Le Figaro của Pháp đăng hình ảnh cắt từ video trên trang nhất với lời tựa "Chiến tranh". Phóng viên Randi Kaye của CNN gọi đó là "một hình ảnh khó quên mãi mãi gắn liền với cuộc tấn công khủng khiếp này".
Đoạn băng được phát đi phát lại càng làm sâu thêm nỗi đau khổ mà gia đình Merabet phải chịu đựng. Malek, người anh em của Merabet hôm 10/1 nói với các nhà báo: "Tại sao mấy người dám phát đoạn video đó? Tôi nghe thấy giọng nói của anh ấy. Tôi nhận ra anh ấy. Tôi nhìn thấy anh ấy bị sát hại và sẽ phải nghe thấy tiếng anh ấy bị sát hại hàng ngày".
Một vài người khác thì cho rằng đoạn băng đóng vai trò quan trọng trong việc phơi bày sự vô cảm và hung ác của khủng bố. Mir cho hay một quan chức từng nói với ông video đã giúp kích động dư luận Pháp.
"Đối với tôi, cảnh tượng anh cảnh sát bị giết trông giống như một bức ảnh chiến tranh vậy", Mir chia sẻ đồng thời so sánh hình ảnh trong đoạn video với bức ảnh nổi tiếng gây tranh cãi của nhiếp ảnh gia Robert Capa chụp lại cảnh một binh sĩ bị bắn chết trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha.
Mir đầu tiên không hề biết ông đang quay gì. Lao ra cửa sổ khi nghe thấy tiếng súng, ông thoạt nghĩ đó là một vụ cướp ngân hàng. Khi nhìn thấy những kẻ trùm kín mặt, mặc đồ đen, cầm súng trường chạy trên phố, ông tưởng đó là thành viên của một đội đặc nhiệm đang giải quyết vụ việc. "Và thật đáng khiếp sợ, không phải như vậy", Mir nói.
Khi cảnh sát tràn tới hiện trường, Mir đã tải đoạn video về máy tính của mình. Rồi sau đó ông đăng lên Facebook, và cho cả thế giới thấy.
Mir, người đàn ông khoảng 50 tuổi, đến giờ vẫn không biết phải giải thích như thế nào về động lực thúc đẩy ông chia sẻ đoạn video trên trang Facebook với hơn 2.500 bạn bè của mình. "Chẳng có câu trả lời nào cả", ông nói. Có lẽ một thập kỷ sử dụng mạng xã hội đã tạo cho ông thói quen phải chia sẻ bất kỳ thứ gì nhìn thấy.
Mir mong gia đình Merabet hiểu rằng ông cảm thấy "rất hối tiếc". Ông đã từ chối lời đề nghị mua lại đoạn video của nhiều hãng truyền thông và muốn họ làm mờ hình ảnh Merabet trước khi phát. Nhưng có rất nhiều tổ chức vẫn phát sóng đoạn băng chưa chỉnh sửa khi không được phép.
Mir cho hay, nếu được làm lại ông sẽ không bao giờ đăng đoạn băng lên Facebook. "Trên Facebook không có bí mật nào cả", ông nói. "Đó là một bài học cho tôi".
Vũ Hoàng (theo AP)