Viêm mũi họng cấp là bệnh rất thường gặp ở trẻ, nhất là khi thời tiết chuyển mùa. Nguyên nhân gây viêm họng cấp chủ yếu là virus, kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng. Bệnh thường tự khỏi sau 3-7 ngày, một số ít có thể kéo dài 2 tuần.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, trong trường hợp này, để điều trị cha mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt như paracetamol hoặc ibuprofen nếu sốt 38,5 độ C trở lên; có thể dùng các thuốc ho tây hoặc đông y nếu trẻ ho nhiều. Một số thuốc ho có thể dùng như: bisolvon siro, mucomyst, toplexil siro, atusin siro; chú ý không dùng các thuốc này cho trẻ dưới 2 tháng tuổi.
Ngoài ra, có thể dùng mật ong, hoa hồng hấp đường, gừng, chanh cho trẻ uống để chữa ho. Nếu trẻ chảy mũi hoặc tắc mũi nhiều có thể sử dụng một số thuốc có chế phẩm chống tắc mũi hoặc một số kháng histamine.
Trẻ bị viêm họng cấp cũng có thể do vi khuẩn, chủ yếu là liên cầu. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên nghĩ đến viêm họng do liên cầu khi trẻ có ít nhất các dấu hiệu họng đỏ, amidan sưng, có chất xuất tiết trắng và sưng đau hạch cổ.
Theo phó giáo sư Dũng, cũng có thể dựa vào triệu chứng lâm sàng để phân biệt viêm họng do virus và lên cầu theo bảng dưới đây:
Biểu hiện viêm họng do virus |
Biểu hiện viêm họng do vi khuẩn |
- Viêm kết mạc |
- Sốt trên 38,5 độ C |
- Chảy mũi |
- Sưng đau hạch cổ |
- Ho |
- Đau đầu |
- Tiêu chảy |
- Nốt xuất huyết ở vòm |
- Ban dạng virus |
- Đau bụng |
- Khởi bệnh đột ngột (dưới 12 giờ) |
|
- Chất xuất tiết ở họng, amidan |
Nếu viêm mà họng đỏ không thì thường do virus. Trẻ bị viêm họng do liên cầu cần được điều trị bằng kháng sinh đúng và đủ liều, đề phòng biến chứng thấp khớp cấp có thể ảnh hưởng đến tim sau này rất khó chữa. Vì thế, khi trẻ có biểu hiện bệnh cha mẹ nên đưa con đi khám kịp thời, tránh tự ý dùng thuốc không đúng, bệnh càng diễn biến xấu hơn, phó giáo sư Dũng khuyến cáo.
Phương Trang