Đột quỵ não còn gọi tai biến mạch máu não, là tình trạng máu cung cấp cho một phần não bị gián đoạn hoặc giảm nặng khiến vùng não đó bị thiếu oxy và dinh dưỡng. Chỉ trong vòng vài phút thiếu máu, thiếu oxy, tế bào não sẽ chết. Vùng tế bào não bị tổn thương nặng hoặc lan rộng có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề về rối loạn vận động, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác...
Tiến sĩ Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết đột quỵ não gồm hai dạng là nhồi máu não và xuất huyết não.
Nhồi máu não phổ biến hơn, chiếm khoảng 85% các trường hợp đột quỵ. Xuất huyết não tỷ lệ 15% nhưng biến chứng nặng hơn, số tử vong cao hơn.
Nhồi máu não (thiếu máu não cục bộ) xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc bởi cục máu đông, huyết khối, hẹp xơ vữa động mạch.
Xuất huyết não (chảy máu não) xảy ra khi mạch máu não bị vỡ, máu chảy vào trong hoặc xung quanh nhu mô não.
Theo tiến sĩ Thắng, bệnh nhân xuất huyết não tỷ lệ tử vong lên đến 40%, tiên lượng phụ thuộc chủ yếu vào kích thước khối máu tụ trong não. Kích thước này càng lớn thì bệnh nhân nguy cơ tử vong và tàn phế càng cao. Thông thường việc điều trị chỉ nhằm giúp kích thước khối máu tụ không tăng thêm và làm giảm các biến chứng.
30% bệnh nhân xuất huyết não có thể hồi phục, đi lại được và 30% bệnh nhân tàn phế vĩnh viễn. Tàn phế ở đây gồm hai mức độ là có thể tự sinh hoạt cá nhân nhưng không thể quay lại công việc ban đầu; tàn phế nặng là phải nằm một chỗ trên giường, không thể tự chăm sóc bản thân.
Bệnh nhân nhồi máu não tỷ lệ tử vong khoảng 15-20% và có thể chữa khỏi nếu đến viện sớm trong những giờ đầu kể từ khi có dấu hiệu đột quỵ.
"Cứ mỗi 15 phút điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân đột quỵ giảm 4% nguy cơ tử vong, đồng nghĩa tăng 4% cơ hội sống sót", bác sĩ Thắng chia sẻ.
Bác sĩ Võ Văn Tân, Trưởng Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết bệnh nhân nhồi máu não đến viện sớm trong thời gian vàng có thể điều trị hiệu quả bằng thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp nội mạch.
Bệnh nhân xuất huyết não tùy nguyên nhân sẽ có cách điều trị phù hợp. Trường hợp do tăng huyết áp sẽ được kiểm soát huyết áp, hồi sức tích cực. Nếu xuất huyết não xuất phát từ bất thường mạch máu sẽ được xử lý bằng can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật...
"Đột quỵ não dạng nào thì khi xuất hiện các triệu chứng cũng cần đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Áp dụng các phương pháp truyền miệng, dân gian sẽ làm chậm trễ thời gian vàng điều trị", bác sĩ Tân nói.
Theo bác sĩ Tân, một số yếu tố nguy cơ gây đột quỵ có thể phòng tránh như ngưng hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, kiểm soát cân nặng, dinh dưỡng hợp lý, vận động thể lực đều đặn...
Bác sĩ Phạm Tiến Phương, Khoa Nội Thần kinh Đột quỵ, Bệnh viện Gia An 115, cho biết bệnh nhân đột quỵ có thể xuất hiện đột ngột triệu chứng tê hoặc yếu vùng mặt, tay hoặc chân. Đặc biệt là khi triệu chứng xảy ra một bên cơ thể, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng...
Để nhận biết các dấu hiệu tai biến mạch máu não, cần nhớ từ FAST (nhanh):
- Face (mặt): yêu cầu bệnh nhân cười hoặc nhe răng, một bên không cử động.
- Arm (tay): cánh tay một bên yếu hơn bên kia khi bệnh nhân giơ hai tay lên.
- Speech (lời nói): nói đớ líu lưỡi, dùng từ không thích hợp hoặc câm lặng.
- Time (thời gian): nếu nghi ngờ có một trong các triệu chứng trên, nên gọi cấp cứu 115 ngay và ghi nhớ thời gian triệu chứng bắt đầu xuất hiện.
Trước đây nhiều người nghĩ tai biến mạch máu não chỉ xảy ra ở người cao tuổi, nguy cơ mắc bệnh tăng lên theo tuổi tác. Tuy nhiên nhiều thống kê gần đây cho thấy số lượng người bệnh trẻ dưới 45 tuổi ngày càng tăng. Người trẻ bị tai biến sẽ để lại hậu quả nặng nề hơn cho bản thân, xã hội và nền kinh tế.
Sơ cứu người đột quỵ
Cần chuyển ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng xử trí và cấp cứu đột quỵ. Trong khi chờ xe cấp cứu, nếu người bệnh tỉnh, đặt nằm nghiêng về bên lành, đầu hơi nâng nhẹ. Không cho ăn hoặc uống bất kỳ loại gì. Lấy bỏ các vật hoặc lau đờm dãi trong miệng có thể gây nên khó thở. Nếu liệt, khi vận chuyển cần trợ giúp và đặt nghiêng về bên lành.
Khi người bệnh hôn mê, tiến hành các bước trên. Nếu bệnh nhân không thấy mạch hoặc ngưng thở, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực (80-100 lần một phút) cho đến khi tim đập lại. Gọi điện thoại đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.