Ngày 27/6, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, trẻ được chuyển đến từ Đồng Tháp.
Ba ngày trước, bé sốt nhẹ, nôn, tiêu lỏng hơn 10 lần mỗi ngày. Ngày 4, tình trạng sốt và tiêu chảy giảm, bé được gia đình đưa đến bệnh viện tư khám, uống thuốc không rõ loại. Khi về nhà, trẻ đang ngủ thì co giật, trợn mắt tím môi. Người nhà đưa trẻ đến phòng khám gần nhà, được xử trí thở oxy, chống co giật, rồi chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố.
Tại bệnh viện, trẻ co giật toàn thân, tím tái, tay chân lạnh, mạch nhẹ nhanh 200 lần một phút, huyết áp khó đo. Các xét nghiệm cho thấy trẻ bị sốc sốt xuất huyết Dengue nặng. Lúc này bệnh nhi đã tổn thương gan nặng, men gan tăng 100 lần, lên 4.000 đơn vị (bình thường dưới 40 đơn vị), rối loạn đông máu, albumin máu (có vai trò duy trì áp lực thẩm thấu, vận chuyển các chất, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng) giảm sâu.
Tình trạng nguy kịch của trẻ khiến bác sĩ phải thực hiện hàng loạt biện pháp cấp cứu. May mắn, sau hơn một tuần điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, cai máy thở thành công, tỉnh táo, bú khá.
Theo bác sĩ Tiến, đây là một trong các trường hợp sốc sốt xuất huyết ở trẻ nhũ nhi, biểu hiện sốt nhẹ kèm triệu chứng tiêu hóa. Do đó, phụ huynh và ngay cả nhân viên y tế dễ mất cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết, chỉ nghĩ trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy nhiễm trùng, dẫn đến đưa trẻ nhập viện trễ.
Bác sĩ khuyến cáo, miền Nam đang vào mùa mưa, là lúc muỗi vằn phát triển, truyền bệnh sốt xuất huyết. Trẻ em là "mồi ngon" của muỗi do chưa biết cách tự phòng tránh muỗi đốt. Phụ huynh cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, như diệt muỗi, lăng quăng, ngủ mùng... Khi thấy trẻ sốt cao trên hai ngày, có một trong các dấu hiệu, gồm bứt rứt, lăn lộn hoặc li bì, lơ mơ, nói sảng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; đau bụng, ói; tay chân lạnh; lừ đừ, nằm một chỗ không chơi hoặc bỏ bú, bỏ ăn uống... cần đưa trẻ nhập viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Thư Anh