Ngày thứ 7, bé vẫn còn sốt, ói, lừ đừ nên gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cấp cứu. Bé từng bị sốt xuất huyết 4 năm trước, tiền sử thiếu máu tán huyết (Thalassemia) phải theo dõi tái khám định kỳ.
Phó giáo sư Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, ngày 30/5, cho biết khi vào viện, xét nghiệm men gan ghi nhận tăng cao hơn 10 lần so với bình thường. Tình trạng bé diễn tiến xấu dần, rơi vào hôn mê, vàng da nhiều, gan to kèm men gan tiếp tục tăng cao hơn 100 lần bình thường, rối loạn đông máu nặng.
Bệnh nhi được khẩn cấp đặt nội khí quản giúp thở, chống phù não, điều trị suy gan cấp, lọc máu liên tục, truyền máu và chế phẩm máu để ổn định chức năng đông máu. Song song đó, các bác sĩ xét nghiệm tìm kiếm nguyên nhân gây tổn thương gan như sốt xuất huyết hay nhiễm trùng, viêm gan siêu vi, viêm gan tự miễn, ngộ độc thuốc và bệnh chuyển hóa ...
Dù được điều trị tích cực nhưng bé vẫn mê sâu, mức độ tổn thương gan vẫn diễn tiến xấu, gây suy gan nặng và rối loạn đông máu. Các bác sĩ hội chẩn quyết định thay huyết tương thể tích lớn kết hợp với lọc máu liên tục để thay thế chức năng gan và ổn định chức năng đông máu.
May mắn, tổn thương gan dừng lại, chức năng gan cải thiện dần. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé bị sốt xuất huyết Dengue gây suy gan cấp nặng. Sau hơn một tuần điều trị tích cực, tình trạng bé tiến triển tốt. Các bác sĩ đã ngưng lọc máu và cai máy thở cho bệnh nhi. Hiện, trẻ tỉnh táo, ăn uống được, chức năng gan đã hồi phục, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Phó giáo sư Quang khuyến cáo hiện nay dịch sốt xuất huyết đang tăng cao và có nhiều trường hợp nặng. Một số bệnh nhi không chỉ nhập viện trong tình trạng trụy tim mạch mà còn có suy đa tạng, nhất là suy gan cấp nặng gây hôn mê gan, xuất huyết nặng có thể dẫn đến tử vong. Phụ huynh cần luôn cảnh giác, bệnh nhi sốt từ 2-3 ngày trở lên phải được đến khám tại cơ sở y tế để phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết và điều trị kịp thời.
Triệu chứng nhận biết bệnh sốt xuất huyết là trẻ sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm dấu hiệu xuất huyết như chấm xuất huyết ở da (thường ở cánh tay, cẳng chân), chảy máu răng, máu mũi. Khi trở nặng, trẻ đau bụng nhiều, gan to, trụy tim mạch với tay chân lạnh, da nổi bông, ói máu hay tiêu phân đen.
Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị khoảng 60 trẻ sốt xuất huyết, tăng gấp 2-3 lần so với tháng trước, trong đó một số trường hợp nặng phải hỗ trợ hô hấp. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, dịch sốt xuất huyết đang tăng cao tại thành phố. Trong 4 tháng đầu năm, hơn 8.400 ca bệnh đã được ghi nhận, với 7 ca tử vong, tăng 5 ca so với cùng kỳ năm ngoái.
Bệnh sốt xuất huyết lây từ người bệnh sang người lành qua trung gian muỗi vằn. Thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa bất chợt, thuận lợi cho sự phát sinh loăng quăng, muỗi, tăng nguy cơ lây lan bệnh. Mỗi người dân, gia đình, cơ quan thực hiện diệt loăng quăng, diệt muỗi để phòng sốt xuất huyết. Không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh loăng quăng. Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt loăng quăng. Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày... để tránh muỗi đốt.
Lê Phương