Ông tự gọi ông là "thủ lĩnh bù nhìn" để cho thấy góc nhìn khác biệt và văn hóa đề cao sức mạnh tập thể của công ty. "Tôi chỉ đóng vai trò tượng trưng, giống một bức tượng đất sét trong đền. Nếu không có nó, ngôi đền trông sẽ trống rỗng. Nhưng bức tượng không thực sự làm gì cả. Tôi không quản lý bất kỳ việc cụ thể nào. Tôi thậm chí không tham gia vào việc bổ nhiệm các lãnh đạo. Việc tôi có ở Huawei hay không không có tác động gì thực sự. Tôi chỉ là một bức tượng đất sét, nhỏ hơn và nhỏ hơn mỗi ngày. Một ngày nào đó, tôi sẽ biến mất", ông giải thích.
Chính vì không đề cao vai trò của cá nhân, nhà sáng lập 75 tuổi từ lâu đã quyết "ẩn mình", hiếm khi xuất hiện trước các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, cuối năm 2018, Giám đốc tài chính Huawei - Mạnh Vãn Châu, con gái ông - bị bắt giữ tại Canada theo yêu cầu của Mỹ. Sau đó hàng loạt cuộc tấn công từ Mỹ nhằm vào Huawei buộc ông Nhậm phải bước ra từ phía sau bức màn để bảo vệ công ty.
Xóa mờ màu sắc anh hùng
Từ nhiều năm trước, ông Nhậm đã chia sẻ quan điểm với các nhân viên rằng Huawei phải là một tổ chức đổi mới, trong đó, ưu điểm lớn nhất của nó không nằm ở một hành vi anh hùng cá nhân, mà ở sự đổi mới được chuẩn hóa sau khi tổ chức thử nghiệm, đánh giá, phê duyệt.
"Doanh nghiệp không có anh hùng mới là doanh nghiệp tốt nhất", ông nói. "Ngày trước dựa vào anh hùng để dựng nên cơ nghiệp. Ngày nay phải dựa vào quy trình, nền tảng chứ không phải năng lực một cá nhân", ông Nhậm nhấn mạnh.
Để hiện thực hóa quan điểm này, Huawei triển khai mô hình Chủ tịch luân phiên từ năm 2011. Trong khi các công ty trên thế giới chỉ có một người giữ chức vụ Chủ tịch trong một giai đoạn nhất định, ở Huawei có ba người cùng được chọn. Mỗi người giữ vai trò này trong sáu tháng rồi chuyển giao cho người kế tiếp.
Mô hình giúp Huawei không quá phụ thuộc vào một người, phát huy khả năng của tập thể, của nhiều người tài nhất có thể, cũng như để thế hệ lãnh đạo kế cận có cơ hội tôi luyện và có thể sửa sai cho nhau. Mô hình chiếc ghế luân phiên ở Huawei xuất phát từ "văn hóa sói" của công ty. Theo ông Nhậm, phẩm chất của loài sói là làm việc theo tập thể, làm việc cùng nhau, nhạy cảm với môi trường xung quanh và không bao giờ bỏ cuộc cho tới khi xong việc.
Với ông Nhậm, không vị trí nào là không thể thay thế. "Sẽ có một ngày tôi nghỉ hưu. Điều đó sẽ được quyết định vào thời điểm thích hợp", ông nói với SCMP. Khi WSJ hỏi ai sẽ là người kế nhiệm, ông trả lời: "Tôi không biết".
Ông hiện có hai con gái và một con trai. Tuy nhiên, ông tuyên bố: "Huawei không phải công ty của riêng tôi. Kể từ ngày thành lập, đường lối của công ty là chọn người hiền tài, không chọn người thân". Theo ông, việc chọn người kế nhiệm sẽ xảy ra một cách tự nhiên, trong vòng tròn tuần hoàn, chứ không phải do ông chỉ định. "Bởi lẽ tôi không phải là Quốc vương Arap Saudi", ông nói.
Vị chủ tịch 75 tuổi hình dung ngày ông rời Huawei, ông sẽ trở thành "người bị lãng quên" và ước mong lớn nhất của ông là không ai nhận ra mình khi ông ngồi trong quán uống nước.
Đức Thanh tổng hợp