Điện thoại kiểu dáng giống Sony Ericsson W800i nhưng lại gắn mác Sany Electronics. Ảnh: Thanh Vân |
Phố Đặng Dung cuối giờ chiều nhộn nhạo kẻ bán người mua. Các cửa hàng ở đây kinh doanh đủ loại dế, từ hàng cấp thấp như Samsung S500 đến cao cấp như Nokia 8800 vẫn còn bảo hành đến cuối năm 2006, cả những con điện thoại hàng cũ mèm, màn hình đen trắng như Nokia 3120, và mốt hiện thời là những chú giống y hệt các model đang ăn khách hiện thời. Tất cả các mẫu nhái trên đều ghi mác của một hãng lạ hoắc. Người bán giới thiệu là hàng xách tay từ Đài Loan về.
*Cá tính của 'dế' |
*9 điện thoại đa phương tiện mới |
*Nokia N-Gage sẽ 'trở lại' |
Không phải cửa hàng nào cũng công khai bán loại điện thoại này. Có chỗ phải là khách quen hoặc yêu cầu lấy hàng ngoài thì người bán mới chịu đưa máy ra, nhưng số đó tại phố cầm đồ của Hà Nội không nhiều. Nhà số 16 là một ví dụ. Đây là một cửa hàng nhỏ, ngoài những mẫu thông thường, họ còn trưng bày các điện thoại màu cam giống W800i của Sony Ericsson ghi mác MP4 Music và Music Mobile. Khi hỏi hai máy này có gì khác nhau, chị bán hàng cho biết, cái ghi là MP4 Music thì không xem được video còn Music Mobile thì ngược lại. Giá mỗi máy tương ứng là 2.200.000 và 2.700.000 đồng, chỉ bằng một phần ba giá hàng mới chính hãng và chỉ được bảo hành 15 ngày. Ngoài các mẫu trên, ở đây còn có điện thoại giống L7 của Motorola với lời quảng cáo xem được cả video, giá 2.300.000 đồng.
Cửa hàng đối diện số 16 Đặng Dung có một loạt điện thoại nhái mẫu Nokia 7360 cũng mang mác MP4 và máy nhái F3000, điện thoại hình ôtô mới ra tháng trước của LG, nhưng có tên Motor Spot. Anh bán hàng nói, không cửa hàng nào ở đây có mẫu này đâu, hàng độc đấy. Một nhóm sinh viên kéo nhau vào cửa hàng đòi đổi một điện thoại mới mua hôm trước. Hỏi ra thì biết, máy họ đã mua là điện thoại của một hãng không tên tuổi của Trung Quốc, dùng một hai ngày thấy tiếng rè rè nên sợ, muốn đổi hàng công ty có tên tuổi đàng hoàng cho yên tâm.
Tại các một số cửa hàng điện thoại nhỏ gần đại học Bách Khoa và đại học Ngoại thương, người bán cũng chào hàng những mẫu điện thoại nhái nói trên với giá chỉ khoảng hơn hai triệu. Ngoài ra, trên trang các web rao vặt cũng xuất hiện một vài mẩu tin bán điện thoại di động giá rẻ nhưng không ghi rõ xuất xứ hàng.
LG F3000 mới ra mắt nhưng đã có hàng nhái. (LG) |
Các điện thoại được gọi là hàng xách tay từ Đài Loan này đều trông khá thô. Hàng nhái W800i thì ngắn hơn điện thoại chính hãng và các ký tự trên bàn phím được phun sơn khá vụng. Vỏ L6 dởm cầm lên không có cảm giác mát tay mà chất liệu kính và plastic mà Motorola mang lại.
*Điện thoại rởm tại Trung Quốc chỉ 25 USD |
*Máy ảnh ĐTDĐ chỉ là đồ chơi |
*Đại gia cận chiến |
Việt, chủ một hiệu điện thoại di động có tiếng tại Hà Nội, cho biết, giá của những điện thoại "nhái" nói trên khá thấp, "chỉ khoảng triệu hai, triệu ba khi nhập vào". Nhưng tới tay khách hàng, cửa hàng đã "thách" đến hơn hai triệu. Anh cho rằng dù mẫu mã có giống hàng công ty đến mấy thì các máy làm nhái trông vẫn "dại", đấy là còn kể đến các bo mạch và phần mềm bên trong được làm gia công nên chất lượng không cao.
Đại diện của Sony Ericsson tại miền Bắc bày tỏ họ cũng biết điện thoại nhái W800i tràn lan trên thị trường nhưng không biết làm cách nào. Với thái độ bức xúc, ông cho biết, tình trạng này ngay cả Sony Ericsson Trung Quốc cũng không can thiệp được, vì không thể truy ra cơ sở sản xuất những điện thoại này ở đâu.
Ông Hoài Dương, phòng kinh doanh điện thoại di động của LG Việt Nam, tỏ ra ngạc nhiên khi nghe tin F3000 mới ra mắt tháng vừa rồi lại có hàng nhái hiệu Motor Spot ngoài chợ đen. Tuy nhiên, như đại diện của Sony Ericsson, ông Dương phân trần, biết kiện ai bây giờ, nó không dùng tên LG của mình mà cũng chả biết ai sản xuất và phân phối tại đây. Nokia và Motorola cũng chẳng có cách nào khả quan hơn vì việc này với họ đã trở nên quen thuộc rồi.
Các hãng cũng chỉ dừng ở việc khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua hàng ngoài. Sony Ericsson cho biết, vì điện thoại đề cập ở đây là hàng nhái mẫu mã nên người tiêu dùng có thể nhận biết được một cách dễ dàng. Việc chọn mua hay không là quyết định của họ. Tuy nhiên, không thể phủ định, sự có mặt của loại điện thoại giả hiệu này ít nhiều ảnh hưởng đến doanh số bán của các hãng trên thị trường Việt Nam.
Thanh Vân