Sáng 28/3, nhạc sĩ Phong Nhã qua đời ở tuổi 96. Hơn 70 năm sáng tác, ông để lại kho tàng ca khúc với 250 bài nhạc thiếu nhi. Trong đó, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng - nhạc phẩm nổi tiếng nhất của ông - vẫn vang lên qua nhiều thế hệ học trò sau 75 năm ra đời.
Nhạc sĩ Phong Nhã sinh trưởng trong một gia đình nghèo, bố đan mây kiếm sống - nghề truyền thống của quê hương Hà Nam. Thuở nhỏ, cậu bé Nguyễn Văn Tường (tên thật của nhạc sĩ) đã mê những giai điệu réo rắt của đàn, sáo. Một lần, cậu được điểm cao nhất lớp với bài văn về một ông già người Hoa bán lạc rang, từng tặng cậu một cây sáo. Thấy học trò sớm bộc lộ năng khiếu văn nghệ, thầy giáo lập ra đội nhạc của trường, giao cậu làm quản ca. Cậu bắt đầu đi tìm những chiếc sáo hay về dạy cho các em lớp dưới.
Phong Nhã lĩnh hội những kiến thức nhạc lý đầu tiên từ người quen của bố. Ông quý mến cậu, tặng nhạc cụ và dạy cách chơi nhạc dân tộc. Lần khác, được một người bạn tặng cây sáo, cậu lấy dùi sắt nung nóng, mày mò chỉnh các lỗ sáo theo thang âm đồ, rê, mi, pha... Phong Nhã còn nghe "cải lương hí viện" của cụ Nguyễn Đình Nghị - đạo diễn sân khấu kỳ cựu - để tự học về nhạc dân tộc.
Lớn lên, Phong Nhã tham gia phong trào hướng đạo ở Hà Nội, được giao nhiệm vụ sáng tác "Đội ca". Thấy Phong Nhã sáng tác hay, các nhóm khác nhờ cậu viết giúp. Sau này nhớ lại, nhạc sĩ cho biết những bài hát đó sớm giúp ông định hình phong cách sáng tác, đi theo con đường viết nhạc chuyên nghiệp.
Ở độ tuổi 20, Phong Nhã có những tác phẩm gây tiếng vang về thiếu nhi. Thuở ấy, khi về nông thôn hoạt động cách mạng, ông được giao nhiệm vụ dạy văn nghệ cho trẻ em. Nhạc sĩ đau đáu khi chưa có bài hát nào cho lứa măng non với khí thế vui tươi, sôi nổi. Từ đó, ca khúc Nhanh bước nhanh nhi đồng ra đời. Nhạc phẩm có tiết tấu dồn dập, tràn ngập hứng khởi: "Nhanh bước nhanh nhi đồng, theo cờ đỏ sao vàng. Cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ sông núi". Bài hát nhanh chóng được các em nhỏ trong vùng học thuộc và yêu mến.
Bài thứ hai - Kim Đồng - được sáng tác sau khi ông nghe kể về tấm gương cậu bé giao liên hy sinh ở Cao Bằng khi làm nhiệm vụ. Bút danh Phong Nhã là tên một người anh em thân thiết của ông đã mất vì bệnh khi hoạt động cách mạng.
Dịp Quốc Khánh năm 1945, khi nghe những bài hát ca ngợi chủ tịch Hồ Chí Minh, Phong Nhã quyết tâm viết một bài riêng dành cho thiếu nhi. Ca khúc Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng ra đời cuối năm đó, nhanh chóng trở thành biểu tượng cho lòng yêu kính Hồ Chủ tịch của thiếu nhi Việt Nam. Bài hát đoạt giải nhất trong cuộc thi do Ban Khuyến nhạc Hà Nội tổ chức - lúc đó nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát phụ trách ban giám khảo. Ca khúc cũng được vang lên vào dịp sinh nhật đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, ngày 19/5/1946.
Sáng tác của Phong Nhã đa thể loại, từ hành khúc đến ca khúc trữ tình như Anh còn sống mãi, Bác sống đời đời... Bốn ca khúc của ông - Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, Hành khúc Đội, Kim Đồng và Đội ta lớn lên cùng đất nước - được bình chọn vào danh sách "50 ca khúc thiếu nhi hay thế kỷ 20". Sau năm 1975, một lần ra Bắc, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu tìm đến tận nơi Phong Nhã ở và khen: "Cậu là vua nhạc thiếu nhi".
* Những ca khúc thiếu nhi nổi tiếng của nhạc sĩ Phong Nhã
Hơn nửa thế kỷ sáng tác, Phong Nhã chưa từng viết nhạc bằng đàn piano. Ông kể, thời đất nước còn chiến tranh, cuộc sống khắc khổ, phải chạy ăn từng bữa, vợ chồng ông vất vả lắm mới nuôi được 5 đứa con khôn lớn. Do vậy, ông không dám nghĩ đến chuyện mua đàn. Có lần, Hội nhạc sĩ Việt Nam - nơi ông làm thành viên - thanh lý vài cây piano cũ. Ông cũng đăng ký mua nhưng không đến lượt. Vậy là cả đời sáng tác, ông chỉ gắn bó với cây sáo và đàn mandolin.
Những năm cuối đời ở tuổi ngoài 90, Phong Nhã vẫn giữ kỷ cương, nề nếp của chàng thanh niên xung phong năm nào. Năm 2015, ca sĩ Minh Quân quay MVAi yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng và mời nhạc sĩ ghi hình. Trái với lo lắng của êkíp ông đến trễ giờ hẹn vì tuổi già sức yếu, nhac sĩ có mặt tại địa điểm lúc 6h. Ông vào vai nhạc sĩ hướng dẫn các em bé hát.
Minh Quân kể: "Ông rất quan tâm đến các bé. Khi thấy các diễn viên nhí, ông ôn tồn hỏi các bé đã ăn sáng chưa, có cháu nào bận đi học không. Chúng tôi nói ông chỉ cần diễn cảnh dạy hát, nhưng ông không biết diễn nên dạy thật. Quay xong, ông còn nán lại hỏi mọi người có cần ông phụ giúp gì không. Tôi nhận ra, phải có một tấm lòng yêu thương người xung quanh - nhất là các em nhỏ, ông mới sáng tác được nhiều bài hay đến thế".
Nhiều lần, Phong Nhã tiếc nuối vì mảng nhạc thiếu nhi dần bị bỏ trống. Ngày trước, Hội nhạc sĩ có ban sáng tác thiếu nhi, gồm ông và nhạc sĩ Lê Bùi, Trần Viết Bính, Hoàng Lân, Hoàng Long... Sau này, việc viết nhạc cho trẻ em ít được quan tâm. Ông hụt hẫng vì một số bài hát thiếu nhi hiện đại, pha trộn cả thể loại pop lẫn rock, đi ngược với xu hướng truyền thống. Với ông, trong sáng tác luôn cần tìm tòi cái mới nhưng phải phù hợp.
Nghe tin Phong Nhã qua đời, nhiều khán giả bồi hồi ôn lại một thời tuổi thơ được lớn lên trong âm nhạc của ông. Trên VnExpress, độc giả David Tèo làm thơ:
"Thời học sinh chúng con yêu mến bác
Những câu ca, bài hát rất thân thương
Mấy mươi năm dù xa cách mái trường
Con vẫn nhớ những bài ca thân thuộc...".
Mai Nhật