Nhạc sĩ Phong Nhã qua đời sáng 28/3 tại nhà riêng ở Hà Nội, thọ 96 tuổi. Ông bắt đầu sáng tác nhạc thiếu nhi từ khoảng năm 1945, có khoảng 250 tác phẩm dành cho trẻ em. Nhiều ca khúc của ông gắn liền với tuổi thơ của người Việt.
Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng
Phong Nhã lần đầu nhìn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh khi được giao nhiệm vụ dắt các em thiếu nhi tham gia cuộc mít tinh tại Quảng trường Ba Đình, nghe đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945. Hình ảnh Hồ Chủ tịch vẫy tay với các cháu gây ấn tượng trong lòng tác giả. Đến cuối năm 1945, trên quãng đường vài km từ Cung Thiếu nhi Hà Nội ở phố Lý Thái Tổ về nhà riêng ở Hồ Xuân Hương, ông sáng tác ca khúc. Khi ấy Phong Nhã còn là quản ca kiêm phụ trách nghi thức đội, chưa phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp.
Trong ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946, nhóm thiếu niên, nhi đồng biểu diễn bài hát tại Phủ Chủ tịch. Năm 2015, ca sĩ Minh Quân thực hiện MV với sự tham gia của hơn 1.500 người, bao gồm thanh, thiếu niên và nhi đồng khắp các tỉnh thành cùng nhiều nghệ sĩ.
Nhanh bước nhanh nhi đồng
Nhanh bước nhanh nhi đồng ra đời năm 1944, là sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Phong Nhã. Khi ấy, ông 20 tuổi, về xã Hoàng Đông, Duy Tiên, Hà Nam xây dựng phong trào thiếu nhi. Phong Nhã mong muốn có một bài hát tươi vui, giục giã thế hệ măng non tiến bước. Ca khúc sau đó được các em nhỏ trong vùng thể hiện. Bản gốc ban đầu không có các cụm từ như "theo cờ đỏ sao vàng", "nhớ ơn Bác Hồ", "lao động vinh quang"... Phần lời này được bổ sung vào khi tác phẩm được chọn là bài ca của Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh.
Kim Đồng
Kim Đồng sáng tác năm 1945, trong những ngày Phong Nhã mang sáo và cây violin của nhạc sĩ Duy Du hoạt động trong Đội nhạc miền Bắc của trường Mạc Đĩnh Chi ở Yên Phụ, Hà Nội. Qua tác phẩm của Tô Hoài và nhiều tài liệu khác, ông kính mến Kim Đồng - đội trưởng đầu tiên của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh - dũng cảm hy sinh vì dân tộc, nên viết ca khúc tưởng nhớ.
Cùng nhau ta đi lên
Cùng nhau ta đi lên sáng tác năm 1950, khi Trung ương Đoàn cử Phong Nhã đến đơn vị thiếu sinh quân ở Bắc Kạn, dạy thêm cho các em thiếu nhi. Sau khi ông trở về thủ đô, Ban Thanh vận Trung ương đã duyệt, lấy bài hát làm Đội ca.
Đội ta lớn lên cùng đất nước
Hành khúc tươi vui này gắn liền với nhiều thế hệ thiếu niên Việt Nam. Tác phẩm vào "Top 50 bài hát thiếu nhi của Việt Nam hay nhất thế kỉ 20" do báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức năm 2000.
Hành khúc đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (Đi ta đi lên)
Ngày 30/1/1970, Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam được đổi tên thành Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Hình ảnh các em thiếu niên diễu hành với tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến Phong Nhã xúc động và viết tác phẩm Đi ta đi lên.
Bác sống đời đời
Ca khúc ra đời năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Bài hát là một trong ba tác phẩm Phong Nhã viết về lãnh tụ, được thiếu nhi và nhiều thế hệ người Việt Nam yêu mến.
Bài ca sum họp
Sau chiến thắng mùa xuân 1975, Phong Nhã liên tiếp cho ra đời ba tác phẩm Cảm ơn bầu bạn bốn phương, Tây Nguyên chiến thắng và Bài ca sum họp. Trong đó, Bài ca sum họp phổ biến nhất thời bấy giờ.
Đội em làm kế hoạch nhỏ
Phong Nhã sáng tác ca khúc cổ vũ phong trào kế hoạch nhỏ của thiếu nhi cả nước năm 1977. Tác phẩm được yêu mến và trở nên phổ biến với âm nhạc rộn ràng, lời ca vui tươi.
Hiểu Nhân (video: Youtube)