Từ vài ngày trước, ông nhận nhiều cuộc điện thoại chúc mừng. Một người hâm mộ từ TP HCM đọc tặng bài thơ nhưng nhạc sĩ không nghe rõ, câu được câu mất. Ông phiền lòng vì tuổi già khiến trí nhớ giảm sút. "Chiều hôm trước, đoàn phụ nữ hưu trí đến thăm, chúc Tết tôi. Họ nhắc đến nhiều ca khúc, tôi mới nhớ đó là sáng tác của mình", Phạm Tuyên nói.
Nhạc sĩ buồn vì Covid-19 khiến mọi người hạn chế tới chơi. Những năm trước dịch, các câu lạc bộ thiếu nhi, nhiều đoàn thể đến chúc mừng ông, hoa bày khắp nhà. Năm nay, ông mong chờ đến buổi tối, quây quần bên con cháu. "Hình như chúng nó làm to lắm đấy", ông nói.
Thời tiết lạnh, khô hanh ở Hà Nội khiến ông khó thở vì bệnh hen. Nhiều năm nay, ông bị khô một bên phổi. Con gái trang bị máy cung cấp oxy, kết hợp khí dung để ông điều hòa nhịp thở. Ông không ra ngoài một năm qua, ở trong "pháo đài an toàn" của gia đình để tránh dịch. Vài tuần trước, các bác sĩ Bệnh viện Lão khoa Trung ương chỉ định ông tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên. Ông không có phản ứng phụ với thuốc, nên mong chờ được tiêm mũi tiếp theo.
Phạm Tuyên ăn ít, không ngủ được nhiều, mỗi ngày chỉ chợp mắt vài tiếng. Thời gian còn lại, ông làm bạn với báo, đài, theo dõi tin tức, sự kiện. Ông thích xem thời sự, cập nhật tình hình chính trị, xã hội. Nhạc sĩ cũng không bỏ qua bất kỳ trận đấu nào của đội tuyển bóng đá Việt Nam.
Ông giữ thói quen ghi chép mọi thông tin, sự việc trong ngày. Nhạc sĩ vẫn tinh mắt, có thể đọc báo giấy, viết lách đơn giản mà không cần kính. Thời còn viết nhạc, ông ghi chú đầy đủ phần lời và nhạc hơn 700 bài hát, ngày sáng tác, phát sóng, ca sĩ thể hiện. Khi tuổi cao, ông thường ghi chú những hoạt động thường ngày, thông tin ai đến thăm, chỉ số nhịp tim, huyết áp.
Mỗi dịp sinh nhật, ông lại nhớ người bạn - cố nhạc sĩ Hoàng Vân. Hai người cùng sinh năm 1930, đều có thời học nhạc ở Trung Quốc, phụ trách thiếu sinh quân, gắn bó với nhau trong nhiều chuyến thực tế từ Bắc vào Nam. Phạm Tuyên nói mỗi sáng tác của ông đều có bóng dáng, sự góp ý của bạn.
Ánh mắt ông đượm buồn khi nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, Văn Ký hay gần nhất là nhạc sĩ Phú Quang, người mới qua đời một tháng trước. "Dù không cùng thế hệ, nghe tin Phú Quang mất, tôi buồn vô cùng. Tôi luôn theo dõi sự nghiệp của cậu ấy, từ lúc vào TP HCM cho đến khi trở lại Hà Nội. Đó là con người cẩn thận, cá tính, luôn cố gắng tạo nên những tác phẩm hoàn hảo. Tôi tin những bài hát của Phú Quang về Hà Nội sẽ tồn tại mãi với thời gian", Phạm Tuyên nói. Nhạc sĩ nhớ ông và Phú Quang đều từng được trao danh hiệu "Công dân thủ đô ưu tú", là nguồn động lực tinh thần to lớn của những người lao động nghệ thuật.
Con gái ở gần nhạc sĩ Phạm Tuyên, giúp ông vơi nỗi nhớ người vợ đã khuất. Mỗi năm, nhà báo Hồng Tuyến đều chuẩn bị một món quà tinh thần tặng bố. Năm nay, chị viết bài Những cánh én lấp lánh của mọi tuổi thơ, kể kỷ niệm gắn bó nhiều ca khúc nổi tiếng của ông, in trong sách Nhâm nhi Tết của Nhà xuất bản Kim Đồng. Là con gái út trong nhà, Hồng Tuyến được bố chiều chuộng, viết tặng nhiều bài hát như Trường chúng cháu đây là trường mầm non, Cô và mẹ, Cả tuần đều ngoan... Năm 1979, ông thay con viết bài Tiễn thầy đi bộ đội, tặng một thầy giáo ở trường tiểu học Kim Liên. Mùa đông năm 1987, khi Hồng Tuyến một mình đi học ở Liên Xô, nhạc sĩ sáng tác Cánh én tuổi thơ. Con gái nhạc sĩ nghĩ khi viết những dòng nhạc ấy, ông nhớ con đang cô đơn ở phương trời tuyết rơi lạnh lẽo.
Năm ngoái, Hồng Tuyến kết hợp Đài Tiếng nói Việt Nam, tổ chức đêm nhạc mừng sinh nhật bố. Năm kia, chị tìm cách liên lạc với người đàn ông khiếm thị Nguyễn Kim Ơn, người tạo cảm hứng cho ông sáng tác bài Tiếng hát (1939). Năm ấy, Phạm Tuyên đến trường Nguyễn Đình Chiểu làm việc, rưng rưng khi nghe Kim Ơn đọc bài thơ Tiếng hát. Về nhà, ông lập tức phổ nhạc cho tác phẩm. Hồng Tuyến đã tìm được bản do chính Kim Ơn thu năm 1994 để tặng bố. Công việc ở đài truyền hình bận rộn, Hồng Tuyến vẫn dành thời gian cập nhật thông tin đều đặn lên website của ông.
Trong khi con gái đau đáu tìm cách bảo tồn, phổ biến di sản âm nhạc của mình, Phạm Tuyên muốn có nhiều nhạc sĩ quan tâm đến mảng ca khúc thiếu nhi. "Đến tuổi 92, tôi không còn điều gì nuối tiếc. Tôi chỉ mong dịch qua đi, đồng bào bớt khổ cực. Mỗi lần đọc thông tin cập nhật số ca bệnh, những nỗi vất vả của nhân dân, tôi đều cảm thấy đau lòng", nhạc sĩ nói.
Hà Thu