Trong đêm diễn mừng sinh nhật nhạc sĩ Phạm Tuyên tối 12/1 ở Hà Nội, ông ngồi trên sân khấu, trìu mến xem thiếu nhi biểu diễn các ca khúc quen thuộc như Cánh én tuổi thơ, Nổi trống lên các bạn ơi... Suốt hai tiếng đồng hồ, ông không phát biểu nhưng ánh mắt luôn lấp lánh ý cười. Cuối chương trình, nhạc sĩ đứng lên vỗ tay, lẩm nhẩm hát theo bài Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội.
Chương trình là món quà chị Hồng Tuyến - con gái út nhạc sĩ - dành tặng ông. Một năm nay, nhạc sĩ không ra ngoài. Từ vài ngày trước, khi con gái tiết lộ về chương trình, ông phấn khởi hẳn lên. Ông nghe lời con, hạn chế xem tivi, đọc sách, giữ gìn sức khoẻ để tới dự đêm nhạc. Buổi tối, ông tự chọn một bộ vest và áo len. Sau khi tham khảo ý kiến con gái, ông tự tin mặc. Lúc đi, ông nhờ con cháu dìu xuống ba tầng cầu thang.
Mỗi dịp sinh nhật ông, chị Tuyến luôn tổ chức các hoạt động ý nghĩa để nhạc sĩ kết nối với thiếu nhi. Năm ngoái, ông bị ngã, đứt dây chằng cánh tay nên chỉ loanh quanh ở nhà.
Nhiều người già sợ nhắc chuyện tuổi tác, riêng nhạc sĩ Phạm Tuyên lúc nào cũng hào hứng. Trong căn nhà tập thể nhỏ ở Ngọc Khánh (Hà Nội), giữa nhiều thùng sách tuyển tập mới in của ông được đặt ngay ngắn, nhạc sĩ ngồi trên sofa chăm chú lần giở từng trang. Ông mặc áo khoác dày, trùm mũ kín đầu trong thời tiết lạnh 9 độ C. Thấy khách đến, ông đứng dậy, tay bắt mặt mừng: "Thế là năm nay tôi 91 tuổi rồi đấy".
Ông khoe món quà sinh nhật là hai chú voi con được may bằng vải do một nhóm thiếu nhi làm tặng, những tấm bằng khen, chứng nhận mới được trao. Nhạc sĩ thích hàn huyên nhưng nói chuyện khó khăn vì bệnh hen. Thỉnh thoảng, ông lại lấy tay ôm ngực, ho một tràng dài. Từ trẻ, ông gần như đã sống chỉ với một phổi. Một bên còn lại của ông bị "khô" lại, hoạt động rất kém. Thời tiết rét đậm, khô hanh ở Hà Nội càng khiến ông mệt mỏi. Nhìn cây đàn piano, ông ngậm ngùi lắc đầu nói: "Tay đau, lâu rồi không đàn được". Hàng ngày, ông làm bạn với tivi, "xem chẳng thiếu chương trình gì". Ông quan tâm bản tin thời sự, kinh tế, đau đáu về diễn biến Covid-19.
Nhiều năm nay, Phạm Tuyên không còn sáng tác nhưng vẫn giữ tinh thần minh mẫn. Thỉnh thoảng, khi quên những chuyện trong quá khứ, ông giở hồi ký vợ viết ra đọc. Cuốn sách ghi lại mọi kỷ niệm, khoảnh khắc và những biến đổi trong cuộc sống, sự nghiệp của ông. Những năm cuối đời, dù mắc nhiều bệnh nặng, bà vẫn dành trọn tâm huyết để viết hồi ký cho gia đình như một cách đáp lại ân tình của chồng.
Từ khi bà Ánh Tuyết mất năm 2009, ông không nguôi nhung nhớ. Mỗi lần ai hỏi đến bà, ông thường lảng đi, ánh mắt phảng phất sự mất mát. "Bà nhà tôi giỏi lắm". "Bà nhà tôi chăm chỉ lắm". Thỉnh thoảng, ông vô tình nhắc đến vợ bằng những câu gọn lỏn nhưng chan chứa tình yêu, tự hào. Hình bóng của bà luôn hiện hữu trong cuộc sống của ông. Ông đặt bàn thờ của bà ở riêng một góc trang trọng, lưu giữ tất cả kỷ vật của hai người trong một chiếc tủ, hàng ngày lấy ra lau chùi. Khi bà mất, con cháu phải thuyết phục mãi ông mới đồng ý cho lấy quần áo của bà đi chôn.
91 tuổi, ông hay nhớ những người bạn một thời đã tạ thế. "'Nhiều người cùng thế hệ với tôi như ông Hoàng Vân, Nguyễn Đức Toàn không sống được đến tuổi này. Mỗi lần ai đó mất, tôi lại tự hỏi: 'Sao các anh đi sớm vậy?'. Nhưng đó là quy luật cuộc sống"', nhạc sĩ nói. Ông nhớ nhạc sĩ Văn Ký, mới qua đời hồi tháng 10 năm ngoái, thọ 92 tuổi. Tết Canh Tý, một chương trình truyền hình chọn Bài ca hy vọng của Văn Ký và Cánh én tuổi thơ của ông để phát mừng xuân. Ông coi đó là kỷ niệm cuối cùng của hai người. Nhạc sĩ Vũ Mão, mất hồi tháng 5 năm ngoái, là một trong những thiếu sinh quân cuối cùng ông từng giảng dạy.
Niềm an ủi tuổi già của nhạc sĩ là di sản âm nhạc của ông được lưu giữ, trân trọng qua nhiều thế hệ. Ông có gần 700 tác phẩm, trong đó có khoảng 200 bài viết cho thiếu nhi. Chị Hồng Tuyến - con gái út của ông - đau đáu bảo tồn gia tài sáng tác đồ sộ của bố. Năm ngoái, chị lên kế hoạch in Tuyển tập 100 bài hát và làm website tặng ông. Chị nhờ nhóm giảng viên chuyên ngành chép nhạc trên máy tính.
Trong quá trình mày mò, chị phát hiện bài Khúc hát đôi bàn tay được ông sáng tác năm 2004, khi đại dịch SARS kết thúc. Từ đó, ca khúc chỉ nằm trên giấy, chưa được lan tỏa rộng rãi. Tháng 3 năm ngoái, nghe các phương tiện truyền thông tuyên truyền về sáu bước rửa tay, chị và ông nhận thấy ca khúc cũ vẫn phù hợp bối cảnh Covid-19 hoành hành nên làm MV. Bài Nơi ấy Trường Sa cũng được "khai quật" trong cuộc trò chuyện vu vơ của hai bố con, khi chị ngỏ ý muốn đưa bài Tổ quốc ở Trường Sa vào tuyển tập. Ông gạt đi, nói rằng nên giới thiệu một bài hát về Trường Sa nhưng dành cho thiếu nhi.
Chị Hồng Tuyến mong muốn toàn bộ tác phẩm còn "ở ẩn" của bố được phổ biến, còn ông không đặt nặng chuyện này. "Với thế hệ chúng tôi, việc bản thân sống bao lâu trên cuộc đời không quan trọng bằng việc ca khúc của mình được trường tồn với thời gian", nhạc sĩ nói.
Hà Thu