Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mất hôm 26/12 tại nhà riêng ở TP HCM. Nghe tin ông qua đời, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nói anh bàng hoàng, tiếc nuối. Năm 2015, anh cùng nhạc sĩ Giáng Son, ca sĩ xẩm Mai Tuyết Hoa cùng bay từ Hà Nội vào TP HCM thăm ông. Lúc này, cố nhạc sĩ đã bị tai biến mạch máu não, đi lại khó khăn. Trong căn nhà vẻn vẹn 10 mét vuông trên đường Trần Khắc Chân, mấy chú cháu trò chuyện rôm rả về âm nhạc. "Lần đầu ngồi bên đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam tôi rất xúc động. Ông thân thiện, dễ gần, như đã quen biết từ lâu. Ông rất thèm người tán gẫu nên không muốn cho chúng tôi về", Nguyễn Quang Long cho biết.
Trong ký ức của ca sĩ Ánh Tuyết - người từng thể hiện thành công nhiều nhạc phẩm của cố nhạc sĩ, ông là người ân cần, dịu dàng, thường xuyên khích lệ, động viên lớp nghệ sĩ cháu con. "Ông có thể nói về lịch sử âm nhạc Việt Nam cả buổi mà không thấy chán. Khi nhạc sĩ về già, tôi thường đến thăm ông, cảm nhận ông mừng như trẻ con mỗi lần khách đến. Vài năm nay, tôi chuyển về Hội An nên không còn qua chào hỏi ông thường xuyên như trước", Ánh Tuyết kể.
Là người hào hoa, các sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thấm đượm tinh thần lãng mạn. Trong âm nhạc của Nguyễn Văn Tý, hình tượng phụ nữ giữ vị trí đặc biệt, trải dài từ nhạc tiền chiến cho đến nhạc đỏ. Bạn bè thậm chí gọi ông là "nhạc sĩ chuyên trị về phụ nữ". Ca khúc nổi tiếng nhất của ông - Dư âm - ra đời năm 1950, thời kỳ ông mới bắt tay sáng tác, khắc họa hình ảnh cô gái ngây thơ, trong sáng.
Hồi đó, người vợ đầu tiên của Nguyễn Văn Tý đã qua đời nên ông được nhiều bạn bè mối lái. Một hôm, ông về nhà bạn thân ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) chơi để xem mặt cô em gái 22 tuổi của anh ta. Thế nhưng cô em kế mới 16 tuổi bất ngờ xuất hiện sau lưng chị, nhìn ông bằng đôi mắt to tròn khiến nhạc sĩ bần thần. Một đêm, dưới ánh trăng, nhạc sĩ thấy cô ngồi hong tóc, ôm đàn hát khe khẽ. Hình ảnh ấy ám ảnh ông, tạo nên câu hát "Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ...".
Các bài nhạc đỏ của ông không khô khan, nặng tính tuyên truyền mà nhẹ nhàng, sâu lắng, dễ đi vào lòng người, nhất là các bài hát về mẹ. Sinh thời, ông kể nhớ nhất bài Mẹ yêu con, bởi: "Đó không phải là người mẹ riêng của tôi hay của ai mà là hình ảnh người mẹ chung của dân tộc Việt Nam". Mẹ yêu con ra đời năm 1956, nói về niềm tin của một người mẹ về tương lai tươi sáng của đứa con và đất nước, được gửi gắm qua khúc ru. "Mẹ thương con có hay chăng, thương từ khi thai nghén trong lòng... Mấy nắng sớm rồi mưa chiều, chín tháng so chín năm...". Ca khúc khép lại bằng câu "à á ru hời ới hời ru", để lại dư âm sâu lắng với nhiều thế hệ. Nhạc phẩm gắn với tiếng hát Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền, cố Nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung.
Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa khắc họa tầm vóc lớn lao của phụ nữ ở hậu phương, luôn chăm chút từng miếng cơm, mảnh áo cho các chiến sĩ. Cố nhạc sĩ kể năm 1973, khi về tỉnh Hà Bắc sáng tác, ở những nơi giặc Mỹ đánh bom ác liệt, ông gặp cảnh các mẹ ngồi vá áo tập thể, xong cái nào thì cái đó được gửi ra công sự luôn. Bài hát chất chứa cả tình thương của mẹ và lòng biết ơn của những đứa con nơi chiến trường. Câu hát "chúng con ra đi đã mấy chiến trường mang theo cả tình thương của mẹ" thể hiện tình mẫu tử, quân dân thắm thiết.
Ngoài các sáng tác lãng mạn, ông được nhiều người dân gọi là "nhạc sĩ của các tỉnh, thành". Sinh ra trong gia đình có bố là một "trùm phường bát âm" ở Vĩnh Phúc, thành thạo cả hát văn, chèo và hát ả đào nên nhạc sĩ vận dụng nhuần nhuyễn chất dân gian trong nhiều ca khúc về các địa phương. Ca sĩ Ánh Tuyết nói ông là một trong số hiếm những nhạc sĩ viết các bài tỉnh ca theo "đơn đặt hàng" mà vẫn đậm giá trị nghệ thuật.
Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh (1974) và Người đi xây hồ Kẻ Gỗ (1976) là hai bài "tỉnh ca" nổi tiếng nhất của nhạc sĩ, lấy cảm hứng từ Hà Tĩnh - mảnh đất miền Trung đầy nắng, gió. Hai bài hát mang đậm phong vị Nghệ, Tĩnh với âm hưởng của điệu ví, dặm đặc trưng. Trong Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, núi Hồng Lĩnh, dòng sông La, đèo Ngang, đường Đồng Lộc... hiện lên sinh động, gợi lên niềm tự hào về mảnh đất anh hùng. Câu hát mở đầu "Ai đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh" dễ đi vào lòng người, được cả người dân Hà Tĩnh và nhiều khán giả yêu âm nhạc ở các địa phương yêu thích. Người đi xây hồ Kẻ Gỗ gợi lên không khí lạc quan, yêu đời của lớp thanh niên thời kỳ sau chiến tranh chống Mỹ. Ông từng giải thích câu hát "Nay da em nâu tươi màu suy nghĩ" chỉ nước da bánh mật - tượng trưng cho tinh thần lao động, cho sức trẻ của người dân miền Trung.
Dáng đứng Bến Tre mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, ra đời năm 1980 trong chuyến thăm nhạc sĩ về thăm quê hương Đồng Khởi. Ca khúc ngắn gọn, miêu tả tinh thần bất khuất của người con gái Bến Tre trong chiến tranh qua vài nét chấm phá, khi mới phát sóng được khán giả Đài Tiếng nói Việt Nam yêu thích.
Ai đứng như bóng dừa tóc dài bay trong gió
Có phải người còn đó là con gái của Bến Tre
(Con gái của Bến Tre)
Năm xưa đi trong đạn lửa đi như nước lũ tràn về
Ôi những con người làm nên Đồng Khởi...
Ngoài ra, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng có duyên với các ngành nghề. Ông từng viết Người chăn nuôi giỏi, Em đi làm tín dụng, Cô nuôi dạy trẻ... Người lao động trong sáng tác của ông đều giản dị, hăng say trong công việc và toát lên vẻ yêu đời, yêu cuộc sống.
Hà Thu