Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thời trai trẻ. |
Hồi đó (năm 1949), tôi đang làm trưởng đoàn văn công của Sư đoàn 304. Trong kỳ nghỉ phép, một người bạn thân rủ tôi về nhà anh ấy chơi tận Quỳnh Lưu, Nghệ An. Nhà anh bạn có 2 người con gái: chị 22, em 16, mà tôi hồi đó đã 26 tuổi. Hình như ý muốn của anh bạn là cốt để tôi "dính" cô chị, cho thành anh em.
Thuở ấy, con gái đến tuổi 18 hay 20 mới được phép nói đến chuyện lấy chồng. Cái luật gia phong của ông cha mình là thế, không ai dám cưỡng lại. Vì vậy, người chị 22 tuổi phải ra mắt. Cô em mới 16 tuổi thuộc diện "chưa đến tuổi cập kê" nên phải tránh đi.
Tôi gặp người chị và cũng đôi lần trò chuyện, nhưng chẳng thấy có cảm xúc gì. Có lẽ là do "cái duyên, cái số". Đến một hôm, chúng tôi đang ngồi cạnh nhau thì cô em gái bất thần xuất hiện, đến sau lưng chị, tì cằm vào ghế chị ngồi và nhìn tôi với đôi mắt đen tròn lay láy. Ôi! Đôi mắt kỳ diệu đã hút hồn khiến tôi sững sờ, đờ đẫn, rồi lặng im như người mất hồn. Hôm sau dưới ánh trăng, khi anh bạn cùng tôi uống trà ở ngoài sân, cô em ra ngồi hong tóc ở thềm hoa, cách tôi cái sân rộng. Cô ôm đàn quay lưng lại phía tôi, cô hát gì, tôi không rõ, nhưng có vẻ như say đắm lạ thường. Tôi ra về, mang nặng trong lòng một sự tan vỡ, một "dáng em đang ôm đàn" dưới trăng.
Chuyện tình của tôi, năm ấy, chỉ có thế!
Nhưng về đến đơn vị, trong lòng tôi cứ vang lên một nét nhạc "... đêm qua mơ dáng...". Đêm hôm ấy, khi mọi người đã ngủ, tôi xuống bếp khoanh tròn tấm cót cùng với cây đàn và ngọn đèn dầu ngồi viết Dư âm.
Thời gian trôi đi. Bài hát Dư âm đã vào phim Kiếp hoa của vùng tạm chiếm Hà Nội. Ca khúc được khắp nơi biết đến, cả trong nước và ngoài nước. Cuối năm 1957, khi tôi cùng 5 nhạc sĩ được chỉ định thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam bấy giờ (Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý) và đang là ủy viên chấp hành khóa đầu tiên của hội thì báo Nhân Văn ra đời. Theo ý của anh Lưu Hữu Phước, tôi nên đi vắng để tránh tờ báo ấy. Tôi nghe theo và đi nghiên cứu dân ca.
Năm ấy Hằng (cô em) cũng đã 24 tuổi. Thì ra hồi ấy cô đi bộ đội mà tôi không biết. Một chiều đi đến Vĩnh Yên, trời chuẩn bị mưa, tôi ghé vào một doanh trại trên đồi trú mưa. Nhưng vừa nộp xong giấy tờ cho bảo vệ, tôi bỗng thấy một người trong trang phục quân đội chỉnh tề từ xa đi tới. Tôi vô cùng hoảng hốt khi nhận ra người đó chính là Hằng. Hình như cô ấy cũng nhận ra tôi nên dừng lại từ xa. Tôi vội vàng vào trạm bảo vệ xin lại giấy tờ, rồi như người mất hồn đi qua mặt cô, ra cổng và đi thật nhanh như chạy trốn. Kỳ thực trong thâm tâm tôi lúc ấy chỉ nghĩ rằng: Không muốn để ai hiểu lầm tôi mượn cớ để được gặp người mình yêu.
Sự hội ngộ bất thần này sau 8 năm là cú shock đối với cô ấy. Sau này có lần một người bạn thân của cô hỏi: "Mày có nhớ ông Tý không?" thì cô đã trả lời ngay: "Ông Tý nào?". "Ông Tý 'Dư âm' ấy mà!". Cô không nói câu gì chỉ im lặng. Thấy vậy cô bạn lại nói: "Mày tệ lắm, người ta yêu mày đến thế mà mày thì chẳng nhớ gì". Cô vẫn im lặng.
Cô bạn của cô giận lắm, không ý kiến gì thêm nữa, về nhà kể với anh trai mình sự gặp gỡ này. Anh cô lại là bạn thân của tôi, một hôm đến kể cho tôi nghe, tôi vội can: "Đừng trách cô Hằng, tôi đã nói gì đâu, cô ấy có được gần tôi phút giây nào đâu mà biết?". Bản thân tôi nghĩ: Dù sao thì bây giờ cô ấy cũng đã có chồng có con rồi. Tôi yêu làm sao được! Nói thế nhưng kỳ thực là đến bây giờ và suốt đời có lẽ tôi vẫn yêu. Tôi không sao quên được đôi mắt và nụ cười của người con gái tuổi 16 ấy. Bây giờ tôi vẫn yêu là yêu cái dư âm đó thôi, chứ làm gì có cái thật để mà yêu. Mà cái dư âm thì còn mãi, yêu như thế cũng được và cũng tốt đấy chứ.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý
(Theo Người Lao Động)