Bà Lê Anh Thúy - vợ nhạc sĩ - cho biết ông mất vào 5h57 phút tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Từ đầu tháng 3, sức khỏe ông suy yếu, ăn ít. Nhạc sĩ nằm viện điều trị hơn một tuần, nhiều lần bị nhồi máu cơ tim.
Bà Anh Thúy nói: "Ông tuổi cao, bị suy tim và nhiều bệnh nền. Đến lúc ra đi là sức cùng lực kiệt. Tôi cùng gia đình đang liên hệ với hội nhạc sĩ và các cơ quan đoàn thể để lo liệu hậu sự cho ông". Lễ viếng nhạc sĩ diễn ra từ 12h30 đến 13h45 ngày 26/3 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông. Nhạc sĩ được an táng tại Công viên nghĩa trang Thiên Đức, Phú Thọ.
Hồi tháng 10/2021, nhạc sĩ đoạt Giải thưởng lớn Bùi Xuân Phái với những sáng tác về Hà Nội nhưng không thể tới nhận do tuổi cao sức yếu.
Nhạc sĩ Hồng Đăng sinh năm 1936 ở Nghệ An, là cháu ruột nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Những năm 1950, khi còn là học sinh, ông đã sáng tác các ca khúc Nắng về Tây Bắc, Nhớ ơn cụ Hồ, Đời học sinh... Ông là một trong những sinh viên đầu tiên của khoa Sáng tác, trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Ông sáng tác khoảng 700 tác phẩm, trong đó có nhiều bản nhạc phim nổi tiếng như: Hoa sữa - phim Hà Nội mùa chim làm tổ, Lênh đênh -phim Đời hát rong, Biển hát chiều nay - trong nhiều phim về đề tài biển, Nỗi nhớ đêm đại dương - phim Những hạt muối của biển, Biển và cô gái tôi chưa quen - phim Những ngôi sao nhỏ, Không gian xanh - phim Vùng trời...
>>> 'Hoa sữa' - ca khúc gắn với mùa thu Hà Nội
Trong hơn 60 năm sống tại Hà Nội, ông sáng tác nhiều tác phẩm về nơi đây như: xướng kịch Sông Hồng ngàn năm (kịch bản Dương Viết Á) được Đoàn Ca múa Hà Nội trình diễn năm 1964, ca khúc Người sông Hồng, Duyên Hà Nội, Tiếng hát trên pháo đài thành phố, Hoa sữa- nhạc phim Hà Nội mùa chim làm tổ, Ký ức đêm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ...
Ông phát hành nhiều album như Màu xanh chân trời (1978), Biển hát chiều nay (1985), Ca khúc Hồng Đăng (1994), Hoa sữa - Lênh đênh (1996), Lênh đênh biển (2008)... Ngoài sáng tác, ông giảng dạy, viết sách, báo... Ông là Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa bốn, năm, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam.
Năm 2001, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: ca khúc Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng năm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ và hợp xướng Lửa rực cháy.
Hiểu Nhân