Ông chào phóng viên với một nụ cười: "Tôi không muốn khoe khoang, nhưng cũng tự hào vì có một gia tài âm nhạc với hàng nghìn ca khúc và các loại hình khác, gần sáu mươi năm cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc. Giờ đây, đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn tiếp tục sáng tác. Để đạt được thành công như ngày hôm nay, có phần đóng góp không nhỏ của người vợ trẻ là Lê Anh Thúy, vốn là kỹ sư xây dựng đã tình nguyện "theo chồng bỏ cuộc chơi".
Nhạc sĩ Hồng Đăng. Ảnh nghệ sĩ cung cấp. |
- Ông cảm nhận thế nào về người bạn đời của mình?
- Tôi và Thúy đến với nhau bằng tình yêu âm nhạc. Hình như cô ấy yêu nhạc của tôi và đó là nguyên cớ để chúng tôi đến với nhau. Trước đây cô ấy học ngành xây dựng nhưng khi lấy tôi thì phải bỏ nghề để chăm lo cho chồng con. Giờ Thúy chuyển sang làm thơ, viết báo. Tôi hiểu sự hy sinh lớn lao của Thúy dành cho tôi và gia đình. Đúng là đằng sau sự thành công của người đàn ông có bàn tay của một phụ nữ, điều đó là cần thiết và bình đẳng.
- Vậy ông đã có ca khúc nào viết riêng tặng cô ấy?
- Thực ra thì tôi chưa có tác phẩm nào viết riêng cho Thúy, nhưng mỗi khi "thai nghén" một ca khúc nào đó thì người đầu tiên mà tôi chia sẻ là Thúy. Cô ấy cũng góp ý để tôi hoàn thiện tác phẩm một cách thú vị hơn.
- Vậy tại sao nhiều người vẫn cho rằng, ông là một nhạc sĩ đa tài và đa tình, mỗi ca khúc viết ra trong đó luôn có hình ảnh một "bóng hồng" nào đó?
- Không phải riêng tôi đâu. Mỗi họa sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ... đều có bóng dáng của tình yêu trong tác phẩm của mình. Điều đó là bắt buộc, không yêu thì làm thế nào mà viết?
Vì thế mọi người đoán rằng bài này tôi viết tặng cô này, bài kia tặng cô kia. Điều đó là không đúng, tất cả ca khúc về tình yêu mà tôi đã viết đều là sự trải nghiệm, là quá trình tích lũy những điều mắt thấy tai nghe trong cuộc sống để có được cảm xúc.
Như bài Lênh đênh, tôi lấy cảm hứng từ số phận của một đôi trai gái yêu nhau nhưng suốt đời không bao giờ gặp được nhau nên lúc nào cũng bâng khuâng, như con thuyền trôi lênh đênh trên dòng sông.
- "Hoa sữa" là ca khúc viết về Hà Nội dù không nhắc đến địa danh nào của Thủ đô. Ông nghĩ sao khi nhiều người cho rằng ông có công "nhân giống" loài hoa này trên toàn quốc?
- (Cười) Hình như nhiều người nói thế đấy. Hoa sữa là một bài hát tôi viết cho bộ phim Hà Nội mùa chim làm tổ. Tôi cũng không ngờ rằng khi phim kết thúc, bài hát vẫn "sống" trong lòng công chúng đến bây giờ. Nhiều ca sĩ đã thể hiện thành công ca khúc này như Thanh Lam, Hồng Nhung, Tùng Dương, Nhã Phương, Thanh Hoa... và tôi rất biết ơn nữ đạo diễn Đức Hoàn đã dàn dựng ca khúc này của tôi để các ca sĩ có "đất" diễn.
Tôi thấy ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước, ngay cả ở Tây Nguyên... đều có thể trồng hoa sữa. Nhưng chỉ có ở Hà Nội và vào mùa thu thì chúng ta mới cảm nhận hết mùi hương quyến rũ của loài hoa này. Tôi mong muốn một ngày nào đó, hoa sữa sẽ được chế tác thành nước hoa, trở thành một thứ quà mang đặc trưng đất Hà Thành.
Một kỷ niệm thú vị với tôi, đó là dịp tới thăm thành phố Đà Nẵng. Một vị lãnh đạo địa phương kể rằng, khi nghe ca khúc Hoa sữa, họ đã cho trồng rất nhiều hoa sữa trên đường phố với mật độ dày đặc. Khi hoa nở, người dân trong phố không chịu nổi nên sau đó phải chặt bỏ rất nhiều cây.
- Nhiều người trong giới âm nhạc cho rằng Hồng Đăng là một nhạc sĩ lạ, không cần đi thực tế vẫn sáng tác được ca khúc hay. Ông nghĩ thế nào về lời nhận xét này?
- Điều này không đúng. Trong âm nhạc nói chung và trong nghệ thuật nói riêng, mỗi tác giả có cách đi thực tế khác nhau. Bây giờ nếu muốn sáng tác một ca khúc về người lính, tôi vẫn viết được vì tôi đã có những năm tháng từng "nằm gai nếm mật" cùng các chiến sĩ. Vấn đề đi thực tế để sáng tác phải hiểu một cách khác đi.
Bao giờ cũng cần hiểu thực tế. Và ở nước ta, hầu như nghệ sĩ nào cũng thấm nhuần phương thức này. Trong chương trình "Con đường âm nhạc" vừa qua, tôi có nói là mãi 25 năm sau khi phim Hà Nội mùa chim làm tổ ra đời, tôi mới được nhìn tận mắt một cành hoa sữa. Đó là thực. Vì trong chuyện này, tôi phải biết khái niệm về hoa, khái niệm về mùi hương, khái niệm về tình yêu và điều đó tạo ra Hoa sữa, một tình ca thanh lịch của Hà Nội
- Đánh giá của nhạc sĩ về âm nhạc bác học?
- Theo tôi, không nên đánh giá tác phẩm nghệ thuật bằng cụm từ "bác học". Âm nhạc, điện ảnh, hội họa, văn thơ cũng thế thôi, nghe nó buồn cười lắm. Văn nghệ sĩ phải rèn luyện bút pháp của mình thì mới ứng dụng hợp lý vào thực tế. Vì hiện nay, người ta cứ hiểu nhầm "âm nhạc bác học" là nhạc không lời, có hình thức lớn. Chẳng phải thế đâu. Tác phẩm phải có một cách diễn tả, một bút pháp điêu luyện, kể cả tác phẩm nhỏ cũng phải tạo được cảm xúc cho người hưởng thụ, cho khán thính giả.
Riêng ca khúc "sống" được phụ thuộc nhiều yếu tố, từ hòa âm, phối khí đến ca sĩ thể hiện phải đồng nhất. Nếu dàn nhạc trình diễn hay, phối khí tốt nhưng bài hát đó lại được "đặt" trong một chương trình không phù hợp thì cũng coi như bị bỏ đi. Tôi nghĩ, mỗi nhạc sĩ sáng tác phải tự rèn luyện để viết được đủ phong cách, hình loại. Mỗi tác phẩm phải mang một dấu ấn riêng, chứ không thể dẫm chân lên chính mình.
- Ông nhận xét gì về đội ngũ những người sáng tác trẻ hiện nay?
- Tôi học được ở các bạn trẻ rất nhiều điều, đó là lòng hăng say, nhiệt tình trong công việc và luôn tìm được phương thức thể hiện lạ, mới. Nhiều khi tôi sững sờ và rất mừng vì cách tìm tòi những cái mới lạ trong âm nhạc của giới trẻ. Tuy nhiên, một số bạn khi viết nhạc đã sử dụng những ca từ "rẻ tiền", rồi xen vào các đoạn hát nói bắt chước rất thô thiển, gây phản cảm cho người nghe.
Tôi nghĩ, đã sinh ra là người sáng tác nhạc thì đầu óc không bao giờ được tầm thường hóa và phải rèn luyện cho mình cách nhìn khoáng đạt về cuộc đời.
Lệ Huyền thực hiện