Tuy nhiên, nhiều khả năng đề nghị của Indochina Airlines sẽ không được đáp ứng. Lý do được Cục Hàng không giải thích là hãng thiếu cả 2 điều kiện cần thiết để tiếp tục bay.
Nhạc sĩ Hà Dũng. Ảnh: ngoisao. |
Nghị định 76 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không quy định sau 24 tháng khai thác, hãng hàng không phải có chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC), nếu không có thì bị thu hồi giấy phép. Indochina Airlines bắt đầu khai thác từ tháng 5/2008 nên đến ngày 30/5/2010, hãng buộc phải có AOC nếu không muốn bị mất giấy phép.
Ngoài ra, Nghị định 76 cũng quy định trong vòng 12 tháng liên tiếp, nhà vận chuyển không bay và không có kế hoạch kinh doanh và giấy chứng nhận bay thì giấy phép kinh doanh của hãng sẽ bị thu hồi. Indochina Airlines đã ngừng bay từ cuối tháng 10/2009, sau khoảng một năm cất cánh.
Theo Cục Hàng không VN, hai yêu cầu trên đối với Indochina là rất khó thực hiện. Bởi lẽ Indochina Airlines vẫn chưa chủ động trong việc khai thác máy bay. Hãng đang phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thuê bên ngoài từ máy bay, tổ lái, tiếp viên, kỹ thuật... vì vậy, việc cấp chứng nhận nhà khai thác tàu bay cho Indochina Airlines vào ngày 30/5 tới là rất khó khăn.
Trước đó, hồi cuối năm 2009, Cục Hàng không VN đã tiến hành thu hồi lịch bay và quyền vận chuyển của Indochina Airlines khi hãng này không đảm bảo các yêu cầu về tài chính, tàu bay, nhân lực bộ máy. Chưa kể, các đối tác và người lao động làm việc tại đây liên tục có văn bản "tố" hãng này nợ tiền, không trả lương, mất khả năng thanh toán...
Indochina Airlines khởi động đường bay đúng lúc thị trường khó khăn nhất - khủng hoảng kinh tế, nhu cầu đi lại của hành khách sụt giảm... Đến giữa năm 2009, sau gần một năm cất cánh, Indochina Airlines rơi vào tình cảnh "càng bay càng lỗ". Ông chủ Hà Hùng Dũng quyết định tiết giảm đường bay với một chiếc máy bay và chặng duy nhất TP HCM - Hà Nội. Tháng 11/2009 - đúng một năm cất cánh, hãng thông báo tạm dừng khai thác để xốc lại tình hình, bổ sung vốn và chờ tín hiệu vui của thị trường.
Như Quỳnh